Tiếp sức bãi ngang

02:08, 20/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nguồn lợi hải sản suy giảm, hiệu quả kinh tế thấp, nên bên cạnh sự nỗ lực của người dân trong việc chuyển đổi ngành nghề, đổi mới phương thức canh tác, đầu tư ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất... thì khu vực bãi ngang trong tỉnh cần được tiếp sức.

TIN LIÊN QUAN

Để tạo đột phá cho vùng bãi ngang ven biển, chính quyền và người dân nơi đây mong được tiếp sức thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù.

Khởi sắc

Nhiều năm nay, ngoài số ít diện tích phục vụ nhu cầu nuôi tôm, hầu hết đất cát ven biển khu vực huyện Mộ Đức vẫn trong tình trạng “để trống”. Vì vậy, khi hay tin vùng cát trắng sắp tới sẽ được phủ xanh bởi măng tây, nha đam hay trở thành khu du lịch sinh thái, người dân các xã ven biển rất phấn khởi. “Đất cát không màu mỡ, cộng với nắng gió biển, nên làm hoa màu không đạt. Nếu có dự án trồng nha đam thì hay quá, vì loại cây này dễ trồng, trồng một lần thu hoạch cả năm”, ông Nguyễn Hữu Hiền, thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh chia sẻ.

Ngư dân vùng biển bãi ngang xã Phổ Châu (Đức Phổ) cần được hỗ trợ đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ, để nâng cao hiệu quả khai thác hải sản.                                                                                                                                        ẢNH: PV
Ngư dân vùng biển bãi ngang xã Phổ Châu (Đức Phổ) cần được hỗ trợ đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ, để nâng cao hiệu quả khai thác hải sản. ẢNH: PV


Theo quy hoạch, phần lớn diện tích đất cát ven biển xã Đức Minh sẽ phủ xanh cây nha đam. Doanh nghiệp (DN) hỗ trợ người dân tham gia sản xuất quy trình kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm thông qua “cầu nối” là UBND huyện Mộ Đức.

Cùng với Đức Minh, người dân xã Đức Phong cũng nóng lòng đợi dự án trồng cây măng tây triển khai thực hiện. Khác với nha đam, măng tây là đối tượng mới đối với người dân ven biển. Vì vậy, khi phổ biến thông tin dự án, người dân nghi ngại. Tuy nhiên, khi biết măng tây là loại cây dễ trồng, trồng một lần, thu hoạch cả chục năm thì người dân phấn khởi, nhiệt tình ủng hộ, nhất là khi sản phẩm được DN cam kết bao tiêu.

Còn tại huyện Đức Phổ, việc “đánh thức” khu vực bãi ngang ven biển được chính quyền và người dân hưởng ứng bằng cách nâng cấp, đóng mới tàu thuyền. “Mở hàng” là ngư dân Nguyễn Văn Hừng, xã Phổ An, với chiếc tàu vỏ gỗ công suất 520CV, vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng.

Sau nhiều năm gắn bó với chiếc tàu công suất 45CV, ông Hừng quyết định đầu tư đóng mới tàu, để vươn khơi xa. “Hải sản gần bờ không còn nhiều, tàu giã cào lại hoạt động mạnh quá, nên mình phải đi xa thì mới thoát nghèo được”, ông Hừng lý giải. Và sau nhiều phiên biển tại các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, “quả ngọt” mà ông Hừng gặt được là tàu yên, cá đầy. “Điều này không chỉ giúp ông Hừng vững tin bám biển, mà còn là động lực để ngư dân khu vực bãi ngang mạnh dạn đầu tư nâng cấp, đóng mới tàu để vươn khơi xa”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Lê Thanh Tân bày tỏ.

Tiếp sức vùng bãi ngang

Tuy thu hút được các dự án nông nghiệp, nhưng để phủ xanh vùng cát trắng ở các xã ven biển huyện Mộ Đức đòi hỏi chi phí sản xuất khá cao, vì đây là khu vực bị hạn chế về điều kiện canh tác. Trong khi đó hiện nay, vẫn chưa có chính sách đặc thù để thu hút DN, người dân đầu tư vào khu vực bãi ngang. Vì vậy, dù diện tích đất dồi dào, lại “sạch”, nhưng rất ít có địa phương như huyện Mộ Đức thu hút thành công DN đầu tư vào vùng bãi ngang.

Điều kiện canh tác trên đất cát ven biển gặp nhiều khó khăn, nên khu vực này cần được quan tâm tiếp sức.
Điều kiện canh tác trên đất cát ven biển gặp nhiều khó khăn, nên khu vực này cần được quan tâm tiếp sức.


Còn với ngư dân bãi ngang, việc đầu tư, nâng cấp tàu thuyền công suất lớn cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì nguồn lực hạn hẹp, lại khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Bởi, chi phí nâng cấp công suất tàu từ 45CV lên trên 90CV và trang thiết bị máy móc, ngư lưới cụ là hơn 300 triệu đồng. Vốn lớn, lực nhỏ, nên dù rất muốn vươn khơi xa, nhiều ngư dân vùng bãi ngang cũng đành gác lại ước mơ.

Hơn nữa, các cửa biển trong tỉnh thường xuyên bị bồi lấp, tàu thuyền ra vào khó khăn, kéo theo các cảng cá trầm lắng. Nhiều dịch vụ hậu cần nghề cá vì thế cũng rơi dần vào cảnh “chết yểu”. Những rào cản này khiến ngư dân các vùng bãi ngang ngại đầu tư cải hoán, nâng cấp hoặc đóng mới tàu công suất lớn. “Vì vậy, để tạo đột phá cho vùng bãi ngang ven biển, ngư dân khu vực này rất mong các cấp quan tâm, đầu tư thông luồng các cửa biển; đồng thời tiếp sức ngư dân thông qua các chính sách đặc thù và tạo điều kiện về vốn để họ mạnh dạn đầu tư phương tiện chuyển đổi ngư trường, thúc đẩy phát triển kinh tế”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Lê Thanh Tân đề xuất.

Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.