Thu hút FDI vào Quảng Ngãi: Còn nhiều tiềm năng

09:08, 21/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 30 năm kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài lần đầu tiên được ban hành (1987), đến nay Quảng Ngãi đã thu hút được 58 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký trên 4,53 tỷ USD, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là đối với ngành công nghiệp.

TIN LIÊN QUAN

Tính đến tháng 7.2017, trên địa bàn tỉnh có 44 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 1,36 tỷ USD, gồm KKT Dung Quất 33 dự án/122,9 triệu USD, các KCN 7 dự án/66 triệu USD và ngoài KKT, KCN 4 dự án/82 triệu USD. Đến nay, tổng vốn FDI đã thực hiện khoảng 542 triệu USD (40% tổng vốn đăng ký); có 24 dự án đi vào hoạt động, 18 dự án đang triển khai...
 

Dự án Doosan Vina đầu tư tại KKT Dung Quất là một thành công lớn của tỉnh trong thu hút vốn đầu tư FDI.         ẢNH: PV
Dự án Doosan Vina đầu tư tại KKT Dung Quất là một thành công lớn của tỉnh trong thu hút vốn đầu tư FDI. ẢNH: PV


Những “điểm sáng”

Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina) là một điển hình cho sự thành công trong thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Sau gần 11 năm hoạt động tại KKT Dung Quất, đến nay Doosan Vina đã thu hút hơn 2.300 lao động, trong đó có khoảng 80% lao động người Quảng Ngãi. Sản phẩm của công ty sản xuất đã được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới, nhờ đó Quảng Ngãi đã được “định vị” trong nhận thức của một số quốc gia mà sản phẩm của Doosan được sử dụng. Ngoài việc giải quyết việc làm và đào tạo lao động, Doosan Vina đã đóng góp quan trọng vào nguồn thu cho tỉnh từ việc xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp nặng.
 

Phấn đấu thu hút 1 tỷ USD vốn đầu tư FDI

Đó là mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh trong giai đoạn 2017 – 2020. Các lĩnh vực thu hút là các dự án công nghiệp nặng có quy mô lớn gắn với cảng biển nước sâu; công nghiệp nhẹ sản xuất hàng xuất khẩu; công nghiệp phụ trợ. Riêng Khu phức hợp Công nghiệp – Đô thị và Dịch vụ VSIP thu hút đầu tư các dự án công nghiệp nhẹ, sạch, lắp ráp linh kiện điện tử, hàng tiêu dùng, xuất khẩu, công nghiệp chế biến. Ngoài ra, ưu tiên thu hút các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án về y tế, giáo dục và chú trọng thu hút đầu tư phát triển du lịch đảo Lý Sơn.

“Điểm sáng” thứ hai về thu hút vốn FDI vào Quảng Ngãi là dự án Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, do Công ty liên doanh TNHH KCN Việt Nam – Singapore (VSIP) đầu tư từ tháng 4.2012, tại xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) và phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi). Đây là dự án đầu tiên của VSIP tại miền Trung và thứ 5 tại Việt Nam.

Đến nay, tại KCN VSIP đã có 13 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 238 triệu USD và đã cho thuê lại đất, với diện tích 79,83ha. Hiện có 8 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 3.500 lao động.

Dự án này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo môi trường hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, nhất là nhà đầu tư FDI (như Công ty TNHH KingMaker III Footwear, Nhà máy sản xuất sợi Xingdadong) và tạo nhiều cơ hội việc làm cho hàng vạn lao động của tỉnh.

Ngoài hai dự án “khủng” nói trên còn có nhiều doanh nghiệp FDI khác như Công ty Điện tử Foster, Công ty giày Rieker, Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Sumida... đã đầu tư vào các KCN Quảng Ngãi. Qua đó, giải quyết việc làm cho trên 12.000 lao động trong tỉnh và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi.

Tiềm năng còn lớn

Mặc dù Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên được ban hành năm 1987, nhưng mãi đến năm 2005, khi Luật Đầu tư (áp dụng cho cả đầu tư trong nước và nước ngoài) được ban hành, cũng là khoảng thời gian Việt Nam hoàn tất các thủ tục gia nhập WTO, tình hình thu hút đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh mới khởi sắc. Từ năm 2006 đến nay, hằng năm Quảng Ngãi đều tư hút được dự án FDI, có năm thu hút đến 9 dự án.

Các dự án FDI đầu tư vào tỉnh đến từ các nước và vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc (16 dự án); Trung Quốc (8 dự án); Nhật Bản, Singapore- mỗi nước 7 dự án; Hồng Kông (4 dự án), Đài Loan (4 dự án); Philippines và Áo – mỗi nước 2 dự án. Riêng các quốc gia như Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Nga, Liechtenstein, Thái Lan, Malaysia, mỗi nước có 1 dự án.

Các dự án FDI đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm và đào tạo lao động của tỉnh. Trong ảnh:  Hoạt động sản xuất của Công ty Sumida tại KCN Tịnh Phong.
Các dự án FDI đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm và đào tạo lao động của tỉnh. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của Công ty Sumida tại KCN Tịnh Phong.


Các dự án FDI là nguồn vốn bổ sung góp phần đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế, góp phần giúp cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, còn góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu (giai đoạn 2011 – 2016 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 550 triệu USD), với những sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh... Qua đó, cho thấy tiềm năng phát triển, thu hút vốn FDI của Quảng Ngãi vẫn còn rất lớn.

Bài, ảnh: PHẠM DANH

 


.