Thị trường xuất khẩu gỗ dăm, ván thanh: Doanh nghiệp nhỏ phá sản

02:08, 11/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, ở Quảng Ngãi, ngành chế biến dăm gỗ xuất khẩu phát triển mạnh. Ngành này mang lại lợi nhuận cao, nên nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất dăm gỗ. Tuy nhiên, do năng lực tài chính yếu, vùng nguyên liệu thiếu, cộng với thị trường xuất khẩu ngày càng thu hẹp... nên nhiều DN nhỏ phá sản.

TIN LIÊN QUAN

Doanh nghiệp nhỏ bán nhà máy

Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu gỗ dăm của Quảng Ngãi  giảm. Lượng dăm gỗ xuất qua cảng chỉ còn tập trung ở một số DN lớn. Hàng loạt DN chế biến gỗ dăm, ván thanh công suất nhỏ đã đóng cửa hoặc cho DN khác thuê cơ sở để sản xuất. Nợ ngân hàng của hầu hết các DN nhỏ hoạt động trong lĩnh vực này đều rơi vào “nợ xấu”. Dù xoay xở đủ kiểu, song nhiều DN vẫn không thể tiếp tục duy trì sản xuất, đành phải rao bán nhà xưởng, máy móc. Giá bán cũng chỉ dao động từ 20 - 50 tỷ đồng/nhà máy, nhưng việc “bán được giá” cũng không phải dễ.

Dây chuyền băm dăm gỗ tại Nhà máy chế biến gỗ dăm Nhất Hưng (Sơn Hà).
Dây chuyền băm dăm gỗ tại Nhà máy chế biến gỗ dăm Nhất Hưng (Sơn Hà).


Một ngân hàng đã cho 4 DN chế biến gỗ dăm, ván thanh vay khoảng 90 tỷ đồng đầu tư nhà xưởng. Hiện các DN này đều đang rao bán nhà máy, để trả nợ ngân hàng. Có DN đầu tư 2 – 3 nhà máy, đều hoạt động thua lỗ, hàng tháng phải trả cho ngân hàng vài trăm triệu đồng, trong khi nhà máy không còn hoạt động. Một chủ DN cho hay: “Tôi có hai nhà máy chế biến dăm gỗ, nhưng đang rao bán một nhà máy ở Dung Quất để lấy tiền trả nợ ngân hàng”.
 

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có gần 30 nhà máy chế biến gỗ dăm xuất khẩu. Với tổng công suất khoảng 70.000 tấn sản phẩm/năm, thì mỗi năm Quảng Ngãi có gần 2.000.000 tấn gỗ dăm xuất khẩu, tương đương khoảng 7.000.000 tấn nguyên liệu. Trong khi việc trồng gỗ keo ít nhất từ 3 – 5 năm mới cho thu hoạch; sản lượng và chất lượng đang sụt giảm. Thiếu nguyên liệu cũng là nguyên nhân dẫn đến nhà máy đóng cửa; kéo theo không có tiền để thanh khoản cho ngân hàng. Vì thế, DN đã bán nhà máy nhằm giảm thua lỗ. Theo thống kê, đã có 10 nhà máy đang rao bán.

Cơ hội của doanh nghiệp lớn

Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gỗ dăm, ván thanh xuất khẩu tại Quảng Ngãi, các DN lớn “nghiên cứu” kỹ tình hình  tài chính của đối tác, để việc mua dăm gỗ có lợi nhất. Ngoài ra, các DN lớn còn lên phương án mua đứt các nhà máy chế biến gỗ dăm, để thâu tóm thị trường xuất khẩu.

Công ty TNHH MTV Hào Hưng là DN lớn, hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ dăm xuất khẩu. Mặc dù là DN có kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ dăm lớn, song công ty này hoàn toàn không có vùng nguyên liệu để phục vụ chế biến, xuất khẩu bền vững. Vì vậy, cách đây không lâu, DN này đã xin phép UBND tỉnh cho lập “trạm thu mua keo” nguyên liệu ở một số địa phương trong tỉnh.

Tuy nhiên, mục tiêu mở rộng nguyên liệu đầu vào của Công ty Hào Hưng đã vấp phải sự phản ứng của chính quyền địa phương. Chính vì thế, việc các DN nhỏ kinh doanh ngành hàng chế biến dăm gỗ gặp khó khăn, phải bán nhà máy là cơ hội để Công ty Hào Hưng mua lại các nhà máy.

Hiện Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh không cấp phép thành lập mới DN chế biến gỗ dăm. Vì thế, muốn mở rộng sản xuất, các DN lớn hoạt động trong lĩnh vực này chỉ còn cách mua lại các nhà máy đang thua lỗ. Kể cả các DN có ý định đầu tư vào lĩnh vực này, thì việc bỏ tiền mua các nhà máy phá sản cũng là cách duy nhất để dự án được chấp nhận. Đó cũng là điều kiện tốt để tăng giá cạnh tranh chuyển nhượng các nhà máy chế biến gỗ keo đang rao bán.

Hiện tại, một nhà máy chế biến gỗ keo ở KKT Dung Quất đang được ít nhất 4 DN lớn trả giá để mua. Và mức giá chênh lệch dao động từ 2 – 4 tỷ đồng. Đây cũng là cơ hội tốt để các DN nhỏ có thể bán được nhà máy hoạt động thua lỗ với số tiền đúng giá trị thực, có thể thanh khoản các khoản nợ cho ngân hàng.
        

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.