Quảng Ngãi cần có những cơ sở giết mổ gia súc tập trung

05:08, 07/08/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (GS-GC) đang hoạt động. Tuy nhiên, do chưa có các sơ sở giết mổ tập trung quy mô nên hầu hết các cơ sở giết mổ đều có quy mô nhỏ lẻ, phân tán và nằm xen trong khu dân cư, tình trạng ô nhiễm chưa kiểm soát được. Việc xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung đang là những đòi hỏi bức thiết hiện nay.

TIN LIÊN QUAN

Thiếu cơ sở giết mổ tập trung
 
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh (NN& PTNT), hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 408 cơ sở giết mổ, trong đó có 378 cơ sở giết mổ heo, 27 cơ sở giết mổ bò và 3 cơ sở giết mổ gia cầm. Bình quân mỗi đêm giết mổ trên 400 heo, 44 con bò và 300 con gia cầm (số lượng giết mổ trong dân và các chợ không thống kê được).
 
Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 cơ sở giết mổ tập trung có quy mô lớn là cơ sở giết mổ gia  cầm ở Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi) và cơ sở giết mổ heo ở Tịnh Hà  (Sơn Tịnh), còn lại, hầu hết các cơ sở giết mổ GS- GC đều nhỏ lẻ.
 
Tuy nhiên, đối với 2 cơ sở giết mổ ở Nghĩa Dũng và Tịnh Hà, theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nguyễn Đình Tuấn cho biết, nói là cơ sở giết mổ tập trung nhưng thực chất 2 cơ sở này chủ yếu là các hộ dân tập trung lại cùng nhau giết mổ thủ công,  phần ai nấy làm, không có dây chuyền công nghệ. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở giết mổ GS-GC tập trung nào có quy mô lớn và có dây chuyền giết mổ hiện đại. 
 
Nguồn thịt heo bày bán ở chợ hầu hết là từ những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ của các gai đình cung cấp
Nguồn thịt heo bày bán ở chợ hầu hết là từ những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ của các gai đình cung cấp
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, đa số các điểm giết mổ GS-GC trên địa bàn tỉnh phân tán, nhỏ lẻ, phân bố xen kẽ trong khu dân cư, do các hộ gia đình tự lập, hoạt động tự phát và không đủ điều kiện để được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều cơ sở, điểm giết mổ đã sử dụng nền nhà, sân vườn để giết mổ gia súc, gia cầm. Chất thải được xả tràn lan, thải trực tiếp xuống cống rãnh thoát nước, ra sân vườn, gây ô nhiễm môi trường…
 
Mặt khác, lực lượng làm công tác kiểm soát giết mổ GS- GC ở xã, phường còn quá mỏng, trong khi đó điểm giết mổ GS- GC nhỏ lẻ quá nhiều và hoạt động giết mổ thường vào quãng thời gian từ 12 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, khiến cán bộ thú y khó tiếp cận. Ngoài ra, tại các chợ còn rất nhiều điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, mất vệ sinh. Mỗi điểm thường có một nồi nước sôi dùng chung cả ngày cho hàng trăm con gà, vịt, và một vài chiếc chậu cáu bẩn để làm lông…
 
Điều đáng nói là phần lớn các hộ kinh doanh giết mổ nhỏ lẻ chưa nhận thức đúng về vệ sinh thú y, mà chỉ chạy theo lợi ích trước mắt, gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
 
Khó thu hút doanh nghiệp đầu tư
 
Vì chưa có khu giết mổ tập trung, nên hiện nay tuy phát hiện các cơ sở giết mổ GS- GC không đủ “chuẩn”, các cơ quan chức năng vẫn chỉ nhắc nhở chứ không thể cấm các cơ sở này hoạt động, bởi nếu mạnh tay sẽ tác động xấu đến thị trường. 
 
Xác định, việc xây dựng khu giết mổ tập trung cho là hết sức cần thiết, bởi không chỉ giải quyết được bài toán về vệ sinh môi trường mà còn giúp các cơ quan chức năng kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh… một cách chặt chẽ hơn. Những năm qua, tỉnh đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm kêu gọi,  thu hút doanh nghiệp đầu tư các khu giết mổ GS- GC tập trung. 
 
Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND ngày 29.7.2016 về ưu đãi, hỗ trợ và thu hút đầu tư tỉnh Quảng Ngãi, trong đó hỗ trợ đầu tư cho dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gồm: Doanh nghiệp hỗ trợ vào lĩnh vực trên, ngoài hỗ trợ chung được hưởng, khi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhà đầu tư còn được hưởng các hỗ trợ khác.
 
Cụ thể, đối với cơ sở giết mổ GS- GC: Hỗ trợ 70% tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng về điện, nước, nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị, nhưng không quá 1 tỷ đồng/dự án.
Luật Thú y (có hiệu lực từ ngày 1.7.2016) quy định: Việc giết mổ động vật phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ tập trung và phải có sự kiểm soát của cơ quan thú y; trừ trường hợp tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn mà chưa có cơ sở giết mổ tập trung, mới cho phép được thực hiện tại cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ. Cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và do UBND cấp xã quản lý.    

Tuy nhiên, với những ưu đãi hấp dẫn đã đưa ra, song tỉnh vẫn chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Nguyên nhân khiến nhà đầu tư không “mặn mà” đầu tư vào lĩnh vực này là do tính rủi ro cao, việc thu hồi vốn chậm, lợi nhuận thấp trong khi vốn đầu tư lớn. 

Bàn về vấn đề này, tại buổi làm việc với Sở NN& PTNT mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ cho rằng, Sở NN& PTNT và các ngành chức năng liên quan cần phải rà soát và xem xét công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực giết mổ GS- GC, bởi người dân giết mổ nhỏ lẻ mà họ vẫn bán được thì họ sẽ không có nhu cầu vào những điểm giết mổ tập trung. Đồng thời, cần chọn những điểm giết mổ GS- GC để hỗ trợ làm điểm, từ đó mời doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực này vào đầu tư cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, có như vậy mới có những điểm mổ giết mổ GS- GC tập trung quy mô lớn, cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Thực tế cho thấy, việc kêu gọi đầu tư, xây dựng các cơ sở giết mổ GS- GC tập trung đang là “bài toán” khó, để giải được “bài toán”này, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, ngành từ việc quy hoạch, xây dựng, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở tập trung; cùng với đó, cần kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ GS- GC nhỏ, lẻ không bảo đảm đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tuyên truyền thay đổi thói quen của người tiêu dùng….Có như vậy, công tác quản lý giết mổ GS- GC trên địa bàn tỉnh mới đi vào nền nếp, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
 
Bảo Ngọc

.