Phát huy tiềm năng du lịch ở Gành Yến

09:08, 10/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để “ngành công nghiệp không khói” phát triển bền vững, bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền trong việc đầu tư, chỉnh trang cơ sở hạ tầng, người dân cũng cần được nâng cao nhận thức và trang bị văn hóa làm du lịch, để thu hút khách đến và kéo khách trở lại.

TIN LIÊN QUAN

Chú trọng tạo điểm nhấn

Dựa vào tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Bình Sơn xác định Gành Yến ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải là một trong những điểm nhấn phát triển du lịch. Nét đẹp hoang sơ, hấp dẫn kiến tạo từ những khối đá dọc theo bờ biển trong xanh ở Gành Yến, cùng với hệ sinh thái đa dạng được kỳ vọng là điểm đến thú vị với nhiều du khách muốn thưởng ngoạn cảnh đẹp hoang sơ.

Bên cạnh đó, nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử mang đậm ý nghĩa của cư dân vùng biển như lăng vạn Thanh Thủy, bảo tàng Vạn Tường, giếng Vương... Để phát triển du lịch tại Gành Yến, theo kế hoạch, huyện Bình Sơn đã phân bổ 2 tỷ đồng trong năm 2017 để đầu tư làm đường, trồng hoa, vẽ tranh 3D phát sáng...

 Vẽ tranh bích họa ở thôn Thanh Thủy là một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch khi đến thưởng ngoạn cảnh đẹp Gành Yến.
Vẽ tranh bích họa ở thôn Thanh Thủy là một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch khi đến thưởng ngoạn cảnh đẹp Gành Yến.


Theo Trưởng Phòng VH-TT huyện Bình Sơn Huỳnh Kim Ngân: “Việc phát triển du lịch ở Gành Yến dựa trên nguyên tắc đầu tiên là không phá vỡ cảnh quan nguyên sơ nơi đây. Về dịch vụ, chúng tôi không cho mở các nhà hàng lớn mà đầu tư phát triển theo hướng du lịch trải nghiệm homestay, ăn uống cùng với người dân, như thưởng thức các món hải sản tươi ngon bình dân, hay thu hoạch hành...”.

Nâng cao nhận thức du lịch cộng đồng

Đến Thanh Thủy những ngày này, nhiều ngôi nhà của người dân như được khoác lên chiếc áo mới với những bức tranh bích họa đẹp mắt, nhiều màu sắc. Nhiều người dân ở địa phương rất chăm chú theo dõi các họa sĩ vẽ tranh. Từ khi nghe tin cảnh đẹp Gành Yến ở quê hương được đầu tư trở thành điểm đến hấp dẫn và thu hút mọi người, để “hòa nhịp” vào làm du lịch, bà Tiêu Thị Xuân ở thôn Thanh Thủy đã mua xe nước mía và các dụng cụ để bán nước uống.

Bà Xuân dự định sửa sang lại nhà cửa để phục vụ nấu ăn cho du khách có nhu cầu. Bà Tiêu Thị Xuân, chia sẻ: “Vui mừng lắm chứ! Trước giờ, người dân ở đây thu nhập chủ yếu chỉ trông chờ vào các vụ hành. Du lịch phát triển, người dân có điều kiện làm thêm các dịch vụ. Nhưng người dân ở đây chưa biết cách làm du lịch, nên rất mong các cơ quan chức năng hướng dẫn”.

Phát triển du lịch không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội mà còn lan toả hình ảnh về một vùng đất, con người. Đối với khách du lịch, ngoài việc đến tham quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp, tìm hiểu về lịch sử văn hóa ở một địa phương, thì yếu tố quan trọng để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” chính là thái độ, ứng xử của người dân. Từ những hành động nhỏ cũng góp phần tạo ra hình ảnh đẹp, quảng bá mạnh mẽ về con người và vùng đất.

Theo bà Huỳnh Kim Ngân, đa số người dân ở Thanh Thủy còn rất bỡ ngỡ với du lịch. Để tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức của người dân, huyện đã có kế hoạch hướng dẫn người dân tiếp cận với những cách làm du lịch theo hướng cầm tay chỉ việc. Bên cạnh đó, để gìn giữ không gian xanh-sạch-đẹp, các hội, đoàn thể đã tổ chức các đợt ra quân vệ sinh môi trường, tiếp đến sẽ đặt các thùng rác làm từ vật liệu tái chế, trang trí đẹp mắt để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển cho người dân và du khách.


Bài, ảnh: BẢO HÒA



 


.