Nhọc nhằn nghề làm bàn, ghế đá

02:08, 23/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với cát, đá, xi măng, sắt, thép... qua bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề, những bộ ghế đá được ra đời. Thế nhưng, để làm ra những bộ sản phẩm ấy, đòi hỏi người thợ phải khéo léo và đây là một công việc khá vất vả.

Cơ sở sản xuất bàn, ghế đá của chị em bà Thùy Dương, Thùy Dung ở tổ 8, phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi) đã có từ khá lâu. Nghề này chị em bà Dương - Dung được người cha truyền lại. Từ khi cha qua đời, hai chị em bà vẫn cố gắng giữ lại nghề này bằng cách dạy lại cho con cháu, các thợ làm nghề. “Cha tôi quê gốc ở Quảng Nam, về đây làm rể, nhưng ông đã quay về quê học nghề. Sau đó về đây mở cơ sở sản xuất và truyền lại cho con cháu”, bà Dung cho biết.

Người thợ tiến hành làm các công đoạn để hoàn chỉnh chiếc ghế đá.
Người thợ tiến hành làm các công đoạn để hoàn chỉnh chiếc ghế đá.


Giống như cơ sở của chị Dung, để thành lập cơ sở làm ăn lâu dài, anh Ngô Quang Cảm cũng phải học hỏi từ những người đi trước. “Nghề làm ghế đá coi vậy chớ khó lắm. Riêng công đoạn mài, dũa phải thật khéo tay và biết làm mới có được sản phẩm hoàn chỉnh. Những cái đó mình phải học từ những người làm thuần thục mới làm ra được sản phẩm đẹp”, anh Cảm cho biết.
 

Hiện nay,  tổ 8 phường Lê Hồng Phong có 5 cơ sở chuyên sản xuất và cung cấp bàn, ghế đá. Bình quân mỗi tháng, một cơ sở thu nhập từ 50 – 70 triệu đồng. Tuy là nghề nặng nhọc, vất vả, nhưng thu nhập của người lao động cũng chỉ từ 4- 6 triệu đồng/người/tháng.

Các cơ sở sản xuất bàn, ghế đá ở tổ 8, phường Lê Hồng Phong hình thành từ hàng chục năm trước, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy công việc nặng nhọc, vất vả, nhưng hầu hết người thợ ở đây đều rất tâm huyết với nghề.

Ông Nguyễn Bảy, người dân ở đây cho biết: “Không rõ là nghề này hình thành khi nào, nhưng một số cơ sở có từ rất lâu, còn một số thì chỉ mới hình thành, nhưng đều ăn nên làm ra cả”. Được biết, nghề làm bàn, ghế đá xuất xứ từ làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng), sau đó được người dân ở đây học hỏi và lập nên "làng nghề" ở tỉnh ta.

Anh Nguyễn Văn Tín, thợ chính của cơ sở bàn, ghế đá Quang Cảm cho biết: “Muốn làm nghề này phải không sợ bụi, không sợ tiếng ồn, ít có thời gian nghỉ ngơi và phải khuân vác nặng, nên vất vả lắm”. Cũng theo anh Tín, để làm được một bộ ghế đá hoàn chỉnh, đòi hỏi người thợ phải khéo léo, vì nghề này bắt buộc phải làm thủ công và phải mất từ 4 -5 ngày. Tốn công nhiều nhất là công đoạn sơn, vẽ, đánh dầu bóng và đòi hỏi phải làm cẩn thận, tỉ mỉ mới được khách hàng ưa chuộng.

Bình quân một ngày, cơ sở của bà Dương, anh Cảm sản xuất ra từ 3 -5 bộ bàn, ghế, được bán ra với giá từ 1,5 – 2,5 triệu đồng. Có tháng mỗi cơ sở bán được 30 – 40 bộ bàn, ghế, nhưng cũng có tháng không bán được bộ nào, bởi đầu ra chưa ổn định.

Bài, ảnh: MẠNH KHOA

 


.