Mất an toàn tại các mỏ khai thác khoáng sản

01:08, 02/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện tại, nhu cầu về vật liệu xây dựng các công trình giao thông trọng điểm như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, mở rộng Quốc lộ 1, hạ tầng VSIP, KKT Dung Quất... rất cao, nên việc khai thác khoáng sản trên địa bàn Quảng Ngãi tăng đột biến. Tuy nhiên, việc kiểm tra hoạt động khai thác tại các mỏ, nhất là an toàn lao động, vệ sinh môi trường chưa được thực hiện nghiêm túc.

TIN LIÊN QUAN


Bỏ ngỏ an toàn lao động

Chỉ tính riêng Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã có hàng chục doanh nghiệp (DN) có hợp đồng cung ứng đất, đá, cát để thi công công trình. Mỗi ngày có đến hàng trăm lượt phương tiện chuyên chở vật liệu từ các mỏ đến công trường, kéo theo là hàng trăm lao động trực tiếp khai thác tại các mỏ. Tuy nhiên, các DN khai thác mỏ không trực tiếp ký các hợp đồng lao động, mà thông qua các tổ, đội, nhóm người lao động địa phương. Điều này tránh được trách nhiệm của chủ sử dụng lao động đối với người lao động, đặc biệt là trách nhiệm bảo đảm an toàn lao động trên công trường.

Xe tải chở cát bị lật giữa sông Trà Khúc.
Xe tải chở cát bị lật giữa sông Trà Khúc.


Tại mỏ đá Núi Máng thuộc thôn  Năng Tây 3, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa), những người thợ không có bảo hộ lao động khi đục đá, vác đá lên xe. Trong số họ không ai có quần áo, găng tay, khẩu trang, mũ bảo hộ lao động... theo quy định đối với công nhân khai thác đá. “Tôi làm nghề khai thác đá này đã 15 năm. Chẳng ai bắt phải đeo khẩu trang hay mặc quần áo bảo hộ. Thỉnh thoảng có bụi đá bay vào mắt, nhưng nhỏ thuốc bớt thì lại đi làm. Đeo kính, khẩu trang, găng tay nó vướng, khó làm việc”, thợ đá Nguyễn Thanh Long cho biết.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Công ty TNHH MTV NBB, doanh nghiệp được tỉnh cấp phép khai thác mỏ Núi Máng, cho biết: Công ty ký kết với lao động làm việc tại mỏ thông qua các đội thợ. Đây là những thợ đá lâu năm tại địa phương, nên họ có kinh nghiệm, nhiều năm chưa xảy ra tai nạn lao động. Tuy nhiên, công ty nhận thấy trách nhiệm về bảo hộ lao động cho thợ mỏ như thế là chưa đúng và sẽ có biện pháp chấn chỉnh.
         
Thiếu kiểm soát an toàn giao thông

Sông Trà Khúc và một số dòng sông, cửa biển hiện nay được tỉnh cấp phép khai thác cát khá nhiều. Lượng xe tải ra vào các mỏ vận chuyển cát về công trường khá lớn. Để nối mỏ với đường giao thông phục vụ chuyên chở, các chủ mỏ thường đắp những con đường bằng cát rất tạm bợ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Đã vậy, hiện nay mực nước sông không ổn định, do mưa giông, khiến số xe đào, xúc cát luôn bị ngập nước, sụt lún, thậm chí lật ngửa. “Đường cát” cho xe vận chuyển cũng bị lún, không đảm bảo an toàn...

Lao động tại mỏ đá Núi Máng (Tư Nghĩa) không có bảo hộ lao động.
Lao động tại mỏ đá Núi Máng (Tư Nghĩa) không có bảo hộ lao động.


Để đối phó với tình trạng này, vào mỗi buổi chiều, một số mỏ cát di dời phương tiện lên vùng cao hơn, sau khi nước rút lại chuyển đến vị trí tiếp tục khai thác. Một số mỏ tập trung phương tiện tăng cường khai thác, sau đó tập kết ở chỗ cao, để khi nước sông dâng, hoạt động cung ứng cát cho công trường vẫn tiếp diễn.

Người dân sống gần các mỏ đá, mỏ Núi Máng (Tư Nghĩa), Thọ Bắc, Gò Gáo (Sơn Tịnh), Đồng Sặt, Gò Dê, Cà Ty, Núi Chùa (Bình Sơn) than phiền tình trạng mất an toàn giao thông gia tăng kể từ khi mỏ đi vào khai thác. Tiếng ồn, bụi ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Một số mỏ có cho xe bồn tưới nước liên tục; một số mỏ khai thác đá chi trả tiền trực tiếp cho từng hộ dân quanh vùng để chủ động bơm nước tưới đoạn đường trước nhà có xe chở vật liệu. Tuy nhiên, việc làm này cũng chỉ hạn chế phần nào lượng bụi.


  Bài, ảnh: THANH NHỊ



 


.