Bất cập trong việc thu thuế đất nông nghiệp ở Tịnh Hiệp

09:08, 02/08/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Đất trồng cây lâu năm khai thác một lần, thuộc nhóm đất nông nghiệp mà cụ thể là cây keo đã có qui định về giảm, miễn thuế từ năm 2003. Thế nhưng, do không kê khai trong sổ bộ thuế gốc, từ đó đến nay, nhiều hộ dân trồng keo ở xã Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh) vẫn phải đóng thuế. 

TIN LIÊN QUAN

Thu theo cảm tính
 
Thu theo cảm tính, tự nâng, hạ mức thuế nông nghiệp- đây là phản ánh của một số hộ dân ở thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp có đất trồng cây lâu năm thu hoạch một lần đối với địa phương. 
 
Ông Ao Ông Thanh , 55 tuổi, thôn Phú Sơn, người có 3ha keo trồng tại khu vực đồi núi trong thôn cho hay, hàng chục năm qua, nguồn lợi từ keo đã giúp cuộc sống gia đình ông ngày càng cải thiện đáng kể so với việc trồng cây lúa, mì. Ông hiểu rõ việc nộp thuế chính là nghĩa vụ của mọi công dân.
 
“Thế nhưng, theo tôi được biết, keo là một cây trồng lâu năm thu hoạch một lần, đất của tôi là đất rừng sản xuất, thuộc nhóm đất nông nghiệp (ĐNN) và đến nay đã được miễn thuế. Như vậy, việc xã cứ đến vào vụ khai thác keo rồi liên tục phát giấy báo đến nộp thuế, có hợp lý không?” ông Thanh than thở.
 
 Các hộ dân không hiểu vì sao đất rừng sản xuất thuộc nhóm đất nông nghiệp đã được miễn, giảm thuế nhưng địa phương vẫn đến thu thuế.
Nhiều hộ dân không hiểu vì sao đất rừng sản xuất thuộc nhóm đất nông nghiệp đã được miễn, giảm thuế nhưng địa phương vẫn thu thuế.
 
Cũng theo ông Thanh, tình trạng thu thuế giữa các hộ dân trên địa bàn chênh lệch với nhau. Hộ thì thu ít, hộ thu nhiều, thậm chí có người không đóng thuế trong nhiều năm liền đã tạo ra sự bất công. 
 
Trong khi đó, cán bộ địa phương lại không nắm được chính xác diện tích keo cũng như sản lượng khai thác mà cứ thu “vô tội vạ”. Dân khai sao thì thu vậy. Đồng thời, khi hỏi thu thuế dựa trên qui định nào, xã lại lúng túng và không có câu trả lời thỏa đáng để dân hiểu.
 
"Thậm chí, có hộ gia đình chỉ trong thời gian ngắn, trên một sản lượng thu khai thác, từ mức thuế ban đầu, sau nhiều lần giải bày, xã lại hạ mức thuế thấp hơn một nữa, thậm chí là 2/3. Như vậy là không công bằng", vợ ông Thanh nói.
 
Gia đình ông Ao Ông Thuận, 38 tuổi, thôn Phú Sơn rơi vào trường hợp này. Tháng 6 vừa qua, gia đình ông thu hoạch khoảng 50-70 tấn keo trên diện tích khoảng 1ha. Khi đang thu hoạch, ông nhận được giấy báo thuế với số tiền phải đóng là 1,6 triệu đồng. Sau đó không bao lâu, ông lại tiếp tục được nhận giấy báo, số tiền được hạ xuống còn 638 nghìn đồng. 
 
Về những vấn đề trên, chị Trần Thị Mỹ Lai- cán bộ tài chính xã cho biết, được sự ủy quyền của Chi cục thuế huyện Sơn Tịnh, hằng năm, chúng tôi tiến hành thu thuế sau khi các hộ dân thu hoạch keo. Các trường hợp mà người dân phản ánh là chúng tôi đều thu theo quy định, có biên lai và nộp tiền về cho Chi cục thuế huyện. Xã không tự ý với mức thu 14 nghìn đồng/1 khối.
 
Vì sao người dân vẫn phải đóng thuế?
 
Theo tìm hiểu, diện tích đất trồng keo của người dân trên địa bàn đều hợp pháp, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, ĐNN đã nằm trong diện được miễn, giảm thuế từ năm 2003, theo Nghị quyết về việc miễn, giảm thuế sử dụng ĐNN mà Quốc hội đã thông qua.
 
Lý giải tại sao Chi cục thuế và địa phương vẫn tiến hành thu thuế, Phó Chi cục thuế huyện Sơn Tịnh Nguyễn Chương cho hay, theo thông tư 112 của Bộ Tài chính ban hành  năm 2003, thực hiện cho giai đoạn 2003- 2010 và mới đây nhất là thông tư 120 ban hành năm 2011, thực hiện chuyển tiếp từ giai đoạn 2003- 2010 sang giai đoạn 2011- 2020, đối tượng có đất trồng cây lâu năm thu hoạch một lần sẽ được miễn, giảm thuế tính đến thời điểm này, nếu có kê khai trong sổ bộ thuế gốc từ năm 2003 cho đến nay.
 
Trong sổ bộ thuế gốc, không một hộ dân nào kê khai diện tích cây trồng lâu năm (tại vị trí tay bên phải), đó là lý do dẫn đến việc từ nhiều năm qua người dân vẫn phải đóng thuế.
Trong sổ bộ thuế gốc mà Chi cục thuế huyện Sơn Tịnh đang lưu giữ, không một hộ dân nào kê khai diện tích cây trồng lâu năm từ năm 2003 đến nay, đó là lý do dẫn đến việc từ nhiều năm qua người dân vẫn phải đóng thuế (vị trí tay bên phải).
 
Khi lục lại một sổ bộ thuế gốc của Tịnh Hiệp, thậm chí là Tịnh Bình, Tịnh Trà và nhiều địa phương khác ở Sơn Tịnh, ông Chương khẳng định không có bất kỳ một hộ dân nào kê khai diện tích trồng cây lâu năm trong sổ bộ thuế gốc mà chỉ có diện tích cây hàng năm như lúa và hoa màu.
 
Như vậy, chiếu theo các qui định, tình hình trên thì trường hợp các hộ dân ở thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp được quyền sử dụng đất hợp pháp nhưng không kê khai trong sổ bộ thuế sử dụng đất nông nghiệp từ năm 2003 đến nay thì không thuộc đối tượng miễn, giảm thuế.
 
Vậy tại sao đến nay Chi cục thuế cùng với chính quyền địa phương chưa tổ chức việc kê khai cho người dân để họ được miễn thuế theo luật định. Ông Chương chia sẻ: “Hàng năm chúng tôi đều có văn bản gửi đến xã thực hiện kê khai, bổ sung, cập nhật mới diện tích cây trồng lâu năm trong sổ bộ thuế gốc nhưng lại không có phản hồi của địa phương. Chúng tôi cứ dựa trên hồ sơ cũ từ năm 2003 để thực hiện từ đó cho đến nay?”
 
Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân lại cho hay, trong năm 2016, xã cũng có gọi họ lên để kê khai nhưng sau đó lại liên tục gửi thông báo đóng thuế? Còn Chủ tịch UBND xã Tịnh Hiệp Phạm Tấn Tài bày tỏ, xã mong muốn sớm nhận được văn bản, chỉ đạo từ huyện và Chi cục thuế để tiến hành thực hiện việc kê khai cho người dân trong thời gian đến.
 
Trong khi đó, sự việc này các hộ dân ũng đã phản ánh rất nhiều lần qua các cuộc tiếp xúc với chính quyền cũng như qua các kênh thông tin đại chúng. Đến lúc, Chi cục thuế cùng các cấp, ngành, chức năng, địa phương liên quan sớm có phương án, giải pháp thực hiện để người dân được miễn, giảm thuế theo đúng quy định, an tâm sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình và có nhiều góp trở lại cho địa phương.
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 
 

.