Xây dựng nông thôn mới: Lo nợ đọng, trông cơ chế

10:07, 20/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vốn ngân sách bố trí chậm. Cơ chế hỗ trợ xi măng xây dựng giao thông nông thôn bị ách tắc. Việc huy động sức dân không được thực hiện trước khi có chủ trương đầu tư... Những điều này khiến các địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM).

TIN LIÊN QUAN

Lo nợ

Theo kế hoạch, đến năm 2018, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) đạt chuẩn NTM, nhưng hiện giờ, địa phương này còn trên 4,2km đường xã và gần 15km đường thôn chưa được bê tông. Lý giải về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp Huỳnh Văn Như cho rằng, nguyên nhân là do nguồn lực bố trí hạn hẹp, trong khi người dân lại chưa nhiệt tình hưởng ứng và tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Việc hỗ trợ xi măng chậm, ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây dựng nông thôn mới của các địa phương.
Việc hỗ trợ xi măng chậm, ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây dựng nông thôn mới của các địa phương.


Vì những lý do trên, để đảm bảo lộ trình đạt chuẩn NTM, UBND xã Đức Hiệp đã vận động nhân dân tích cực đóng góp các nguồn lực, để sớm bê tông các tuyến đường. Tuy nhiên, vì chưa được tỉnh phê duyệt danh mục đầu tư, chính quyền địa phương lại lo xảy ra nợ đọng, nên không triển khai thực hiện theo kiểu “đi trước đón đầu”, đồng thời không tổ chức huy động sức dân theo kiểu thu trước một phần kinh phí đóng góp như trước; còn nguồn lực xã hội hóa cũng chỉ huy động bằng... cam kết!

Cùng với giao thông, xã Đức Hiệp hiện cũng có trường mầm non và trường tiểu học chưa đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư xây mới 12 phòng học cho hai trường trên 7 tỷ đồng, nên địa phương này cũng phải nhờ sự trợ giúp của Ban Chỉ  đạo Chương trình xây dựng NTM các cấp.

Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp Huỳnh Văn Như cho rằng, lý do khiến hiện nay địa phương khó huy động nguồn đóng góp của dân, để kiên cố hóa trường học là vì... quá tích cực thực hiện nhiệm vụ này ở giai đoạn trước. Trước đây, điểm trường mầm non tại các thôn là do người dân đóng góp kinh phí, để xây dựng cũng như mua sắm phương tiện dạy và học. Thế nhưng, khi cơ chế thay đổi, mỗi xã chỉ cần 1-3 điểm trường mầm non tập trung, tổ chức dạy và học bán trú, nên trường học, cơ sở vật chất rơi vào cảnh “thừa cũ, thiếu mới”.
   
Chờ cơ chế

Để tránh xảy ra tình trạng nợ đọng, các địa phương lại trông chờ cơ chế hỗ trợ. Thiết thực nhất là cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh, năm 2017, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ trên 31 nghìn tấn xi măng cho 51 xã, để xây dựng 195km giao thông nông thôn. Khối lượng xi măng hỗ trợ được phân làm hai đợt. Đợt 1 hỗ trợ gần 19 nghìn tấn cho 21 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2017. Đợt 2 hỗ trợ trên 12 nghìn tấn cho 30 xã đăng ký đạt chuẩn NTM giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, cũng giống năm 2016, tình trạng hỗ trợ xi măng chậm lại tái diễn. Điều này khiến các địa phương đăng ký xã đạt chuẩn NTM năm 2017-2018 gặp rất nhiều khó khăn.

Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành bày tỏ: “Chúng tôi rất mong trung ương, tỉnh thực hiện các cơ chế hỗ trợ kịp thời, đúng thời điểm, để tuyến cơ sở không rơi vào cảnh “làm không được, dừng không xong”. Bởi đến thời điểm này, sắp bước vào mùa mưa, nhưng nguồn xi măng hỗ trợ vẫn chưa phân bổ. Vì vậy, nếu việc phân bổ xi măng không thực hiện trước tháng 8.2017, các công trình giao thông không chỉ bị chậm tiến độ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng".

Bên cạnh xi măng, một số địa phương cũng rất chật vật tìm nguồn vật liệu phục vụ việc xây dựng. Tại xã Phổ Văn (Đức Phổ), nhiều tuyến đường thôn, xóm đã được người dân mở rộng, san ủi mặt bằng để... chờ xi măng và cát! “Xi măng thì không lo, có tỉnh hỗ trợ, nhưng cát thì chúng tôi không biết tìm đâu ra, vì các bãi cát đã được doanh nghiệp đấu giá, khai thác, nên muốn sử dụng thì phải mua”, một người dân thôn Thủy Triều, xã Phổ Văn  cho biết. Người dân thôn Thủy Triều, mong muốn chính quyền các cấp có hướng can thiệp bằng cách huy động doanh nghiệp tạo điều kiện, hỗ trợ nguồn vật liệu xây dựng, góp phần đảm bảo tiến độ xây dựng NTM của địa phương.


          Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.