Trăn trở đất ngàn cau

09:07, 19/07/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Sau mấy lần hẹn, rồi lại hoãn, cuối cùng cũng tổ chức chuyến đi về một huyện miền núi, chúng tôi gọi đây là chuyến "về nguồn" về vùng đất mà trong đoàn ai cũng mang nhiều kỷ niệm không thể nào quên trong đời làm báo của mình. Đó là huyện miền núi Sơn Tây.

Trở lại Sơn Tây lần này ai cũng ngỡ ngàng, vì đã lâu mọi người chưa lên, nói lâu nhưng cũng chỉ vài năm mà bộ mặt Sơn Tây đã đổi thay rất nhiều, từ đường sá đi lại, trung tâm huyện lỵ, không khí buôn bán nhộn nhịp cũng khác xưa. Chúng tôi ai cũng phấn chấn, lòng nhiều cảm xúc mới lạ, trong mấy ngày ngắn ngủi ở mảnh đất ngàn cau này.

Con đường Tỉnh lộ 623 từ huyện lỵ Sơn Hà lên Sơn Tây, ngày nào xe công vụ chở đất đá lên xây thủy điện Đăkdrinh làm xuống cấp, nham nhở ổ bò, ổ trâu, nay phẳng lì, xe chạy bon bon, hai bên đường là những rừng keo đang lên xanh mút.

Bác tài Lê Văn Hùng ở văn phòng UBND huyện, người có thâm niên lái xe ở Sơn Tây, tay cầm vô lăng trông rất điệu nghệ, miệng không ngớt kể về những đổi thay trên mảnh đất quê mình. Xe đến sân UBND huyện, sau khi chào xã giao lãnh đạo, chúng tôi lên thẳng đầu nguồn công trình Thủy điện Đăkdrinh.

 


Xe bon bon trên đường Đông Trường Sơn qua Sơn Mùa nơi đặt huyện lỵ mới của Sơn Tây, lúc này các công trình đang thi công rất hối hả. Từ đỉnh núi cao, phóng tầm mắt về phía đầu mối Thủy điện Đăkdrinh, bao quanh hồ thủy điện là những cánh rừng keo bạt ngàn xanh mát. Sau khi chặn dòng, con đập cao hơn 100m sừng sững đã tạo ra một biển nước trong xanh rộng 912km2, có dung lượng 249 triệu m3, điều hòa sinh thái cho cả đầu nguồn và hạ du. Với công suất 125MW đây là công trình thủy điện lớn nhất ở tỉnh ta cho đến lúc này.

Những ngày ở Sơn Tây, trạm trưởng khuyến nông Trần Quý đưa chúng tôi đi nhiều nơi, đặc biệt là những nơi mà lãnh đạo huyện và Trạm Khuyến nông huyện đã bỏ ra nhiều công sức để xây dựng, tạo ra các mô hình sản xuất.

Tôi ấn rượng nhất là rừng cây mắcca, mới trồng hơn 3 năm, diện tích hơn 3ha đến nay cây đã cho quả. Đi trong rừng mắcca tôi lại nhớ câu nói của Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Thìn, nếu thử nghiệm mô hình này thành công, thì tỉnh Quảng Ngãi và Sơn Tây sẽ nhân rộng diện tích ở một số vùng có khí hậu thích hợp. Anh cũng cho biết, khi có sản phẩm thì đầu ra sẽ được Hiệp hội Mắcca và doanh nghiệp tiêu bao 100% sản lượng.

Trời đã về chiều, cơn mưa dông giữa mùa cũng bắt đầu đổ xối xả. Ở đồng bằng đang nắng như đổ lửa, nhưng vùng cao Sơn Tây chiều nào cũng mưa, làm vơi bớt cái nóng hầm hập của ngày hè, đêm về không mở máy lạnh mà ngủ vẫn phải đắp chăn, không khí thật dễ chịu.

Lúc trời đổ mưa chúng tôi đang ở trại nuôi cá tầm của huyện. Từ huyện lỵ lên trại cá tầm khoảng gần 10km, thôn Mang Tà Bể, xã Sơn Bua, nơi đặt trạm mô hình nuôi cá tầm thực nghiệm. Trạm trưởng khuyến nông Trần Quý cho biết, cách đây gần 4 năm, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Tùng, trạm nuôi cá tầm được triển khai.

Ban đầu biết bao khó khăn, từ khai hoang làm hồ nuôi cá, mở đường bêtông để vận chuyển cá giống, vật tư... chưa nói trước đó mấy tháng liền các cán bộ nông nghiệp đi khảo sát vùng đất, tìm nguồn nước ổn định, khí hậu phù hợp với việc sinh trưởng của cá tầm. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, trạm gặp không ít gian nan, có năm cá đã lớn 4 -5kg một con, do thiếu dưỡng khí cá lăn ra chết hàng loạt.

Khu 7, Sơn Tây là vùng rừng rộng lớn, là chiếc nôi cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Do địa bàn rộng, địa hình bị chia cắt, và thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân các dân tộc, ngày 20/7/1957 Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã quyết định thành lập Đảng bộ khu 7 và ban cán sự khu 7 sau đó đổi tên là huyện Sơn Tây, khu 7 tương đương một huyện. 
 
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Sơn Tây với Sơn Hà nhập chung lấy tên là huyện Sơn Hà, ngày 6/8/1994 huyện Sơn Tây được tái lập theo Nghị định 83/NĐ-CP của Chính phủ. Nếu kể từ ngày 20/7/1957 thành lập, đến nay Sơn Tây đã trãi qua một chặng đường 60 năm lịch sử.
 

Thời kỳ khó khăn đã qua, giờ thì trạm đã có 5 hồ đang thả cá, diện tích mỗi hồ 120m2, việc chăm sóc cá cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn. Hồ nuôi cá tầm của huyện Sơn Tây giờ là chỗ thường xuyên lui tới, thăm quan của cán bộ và nhân dân trong và ngoài huyện, tương lai nếu tìm được vị trí thích hợp về khí hậu nguồn nước thích hợp, liên doanh, đầu tư đúng mức, hy vọng con cá tầm ở Sơn Tây và ở Quảng Ngãi là vật nuôi xóa đói, giảm nghèo ở một số vùng cho đồng bào các dân tộc.

Nói đến Sơn Tây, nếu không đề cập đến loại nông sản bản địa, một thời đã nuôi sống bao người dân trong những ngày khốn khó đó là cây cau, thì thật là thiếu sót. Ngoài ra, Sơn Tây còn có những loại cây dược liệu quý hiếm khác mà các huyện miền núi trong tỉnh không có. Những năm gần đây diện tích rừng bị thu hẹp và dần cạn kiệt, thay vào đó người dân trồng các loại rừng sản xuất cho thu hoạch sớm, từ đó các cánh rừng keo mọc lên, đi đâu, chỗ nào cũng gặp những cánh rừng keo xanh tốt.

Có thể nói hệ lụy của việc phá rừng tự nhiên để trồng keo là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để tìm ra các giải pháp phù hợp. Nhưng khách quan mà nói cây keo ở các huyện trung du miền núi Quảng Ngãi cũng như Sơn Tây đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói nghèo, nâng cao thu nhập cho không ít đồng bào các dân tộc. Đối với Sơn Tây, mảnh đất còn được mệnh danh là "đất ngàn cau" đây là cây bản địa của mảnh đất này.

Những vườn cau bạt ngàn ở huyện miền núi Sơn Tây
Những vườn cau bạt ngàn ở huyện miền núi Sơn Tây. Ảnh T.L


Đi sâu, đi sát với những người đang công tác ở vùng cao, mới thấy hết khó khăn vất vả và trăn trở cùng họ. Chúng ta chia sẻ với người miền xuôi lên đây, nhiều người đã gắn bó với mảnh đất này gần 30 năm, có người gửi trọn cả cuộc đời, nhưng giờ họ vẫn "cơm niêu nước lọ" một cảnh, hai ba quê... nhưng trong họ, lửa nhiệt huyết thì không thiếu, họ lo toan, trăn trở, say mê, ấp ủ những dự định, nhiều công việc còn dở dang với mảnh đất nghèo khó mà đời họ đã từng thủy chung, gắn bó.

Nhưng  tôi cảm nhận trong họ ai cũng đau đáu trăn trở cùng mảnh đất Sơn Tây anh hùng. Họ đang tìm mọi cách để bảo tồn và gìn giữ, phát triển giống sâm cau bản địa, vốn đã sinh trưởng lâu đời trên vùng đất này và sớm có kế hoạch đưa nó trở thành cây hàng hóa, đem đến công ăn việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Mặt khác, Sơn Tây cũng mở ra hướng khai thác và tận dụng tối đa lòng hồ thủy điện Đăkdrinh để phát triển  du lịch, tìm mọi giải pháp kêu gọi các nhà đầu tư phát triển đàn cá tầm, đưa nó thành sản phẩm hàng hoá. Mạnh dạn quy hoạch và phát triển diện tích và sản lượng cây mắcca; khảo sát, tìm vùng đất để trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh, phát triển diện tích cây chuối, cây bơ với quy mô lớn, đa dạng hóa các loại cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng ở các vùng trong huyện.

Một khi tích cực chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt kết quả, mở ra hướng sản xuất hàng hóa, đi liền với đó là phát triển các loại hình thương mại, du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến để tăng giá trị hàng hóa nông sản... Sơn Tây chắc chắn sẽ có sự bứt phá, khởi sắc, đi lên một cách bền vững.

Từ những ngày đầu thành lập huyện (7.1957) đến nay, Sơn Tây đã trải qua những tháng năm chống Pháp, chống Mỹ cứu nước gian khổ ác liệt, đến ngày hòa bình thống nhất và tách ra từ huyện Sơn Hà. 60 năm qua, bao thế hệ người Sơn Tây đã đổ mồ hôi, máu và nước mắt để có một Sơn Tây hôm nay.

Từ trên đỉnh núi cao, nhìn toàn cảnh thung lũng Sơn Mùa nhấp nhô đồi núi, xen lẫn trụ sở, cơ quan, đường phố, trường trạm... đang mọc lên từng ngày. Ta hình dung một ngày nào đó, thung lũng Sơn Mùa sẽ là một thị trấn sầm uất, phố thị reo vui, đêm về lung linh ánh điện, dòng sông Đăkdrinh lững lỡ trôi theo năm tháng, hòa thanh cùng sự đổi mới đi lên của một vùng chiến khu nghèo khó thuở nào.


 Nguyễn Ngọc Trạch
 


.