Tây Trà chú trọng phát triển nông nghiệp

05:07, 29/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với đặc thù của địa phương, để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, một trong những giải pháp được Huyện ủy Tây Trà chỉ đạo thực hiện là tập trung phát triển nông nghiệp.
 

[links()


Chủ tịch UBND huyện Tây Trà Hoàng Anh Ngọc cho biết, huyện đã tập trung triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các đề án, dự án về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Huyện khuyến khích nhân dân trồng cây gỗ quý, phát triển kinh tế trang trại; hình thành các tổ, đội hợp tác, các đại lý hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ để thu mua nông - lâm sản, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp cho người dân.

Mô hình nuôi cá nước ngọt ở xã Trà Xinh mở ra hướng phát triển thủy sản cho huyện vùng cao Tây Trà.                             Ảnh: BS
Mô hình nuôi cá nước ngọt ở xã Trà Xinh mở ra hướng phát triển thủy sản cho huyện vùng cao Tây Trà. Ảnh: BS


Huyện Tây Trà đã  từng bước triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06 về phát triển nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu mùa vụ có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tích cực; từng bước đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nên tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện 6 tháng đầu năm 2017 tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2016, sản lượng lương thực đạt 863 tấn. Huyện triển khai thành công nhiều mô hình khuyến nông, lâm, thủy sản như mô hình nuôi cá nước ngọt, trồng ổi ăn quả ở xã Trà Xinh, trồng rau ở xã Trà Phong...

 Việc chuyển đổi sang phát triển các cây trồng cho thu nhập cao như keo, cau, mây, gió bầu, chuối đồng nai... cũng được huyện Tây Trà triển khai thực hiện có hiệu quả, trong đó cây keo, quế là cây chủ lực. Năm 2016, huyện bố trí 300 triệu đồng hỗ trợ 3 xã Trà Xinh, Trà Quân, Trà Nham thực hiện các mô hình trồng cây sâm cau, cây gấc, đinh lăng, khổ sâm, thiên niên kiện, gừng gió và cây ớt sim.

Sản lượng khai thác lâm sản của huyện trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 9.720 tấn keo nguyên liệu, 90 tấn đót, 18 tấn quế, 25.000 cây lồ ô, 30 tấn chè và 45 tấn chuối... Huyện Tây Trà cũng chú trọng phát triển chăn nuôi; hỗ trợ nguồn vốn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân đầu tư mô hình nuôi heo rừng lai, nuôi dê và phát triển nhanh đàn trâu, bò với tổng đàn gia súc gần 10.000 con, đàn gia cầm hơn 18.000 con. Tuy nhiên, người dân hiện nay chưa tận dụng được lợi thế, để đưa chăn nuôi trở thành sản phẩm hàng hóa.

Theo ông Hoàng Anh Ngọc, thời gian tới huyện tiếp tục khai thác tiềm năng về đất đai và khí hậu của địa phương để trồng các loại cây phù hợp, có giá trị kinh tế cao, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, huyện tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn đầu tư, hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế vừa và nhỏ, kinh tế gia trại, trang trại và kinh tế nhóm hộ.

Huyện cũng đã khảo sát, nghiên cứu mô hình trồng cây dược liệu cà gai leo; xây dựng đề án trồng quế và trồng cây bản địa gỗ quý, nghiên cứu trồng cây Thiên Ngân (cây gáo vàng) của Thái Lan... Tuy nhiên, theo ông Hoàng Anh Ngọc cái khó mà huyện đang nghiên cứu giải pháp là điều kiện địa hình ở Tây Trà phức tạp với nhiều núi cao, độ dốc lớn, nên không áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Thêm vào đó, trình độ dân trí của người dân không đồng đều, nên việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi cũng gặp nhiều khó khăn.

Bá Sơn

 


.