Dịch vụ hỗ trợ vay vốn: Ngân hàng bảo lợi, người vay than khó

02:07, 24/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong bối cảnh kinh doanh tín dụng gặp nhiều khó khăn, các ngân hàng thương mại đã mở thêm kênh kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vay vốn thông qua các hợp đồng bảo hiểm, cài đặt tin nhắn. Thực tế, kênh kinh doanh dịch vụ này đã mang về lợi nhuận không kém gì so với lợi nhuận từ kinh doanh tín dụng cho các ngân hàng.

TIN LIÊN QUAN

“Bảo an tín dụng” - tự nguyện hay bắt buộc?

Hiện nay, tất cả các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh hầu như đều triển khai “bảo an tín dụng”, tức là hợp đồng bảo hiểm đối với khoản tiền vay. Mức bảo hiểm thông thường 0,65 - 0,9% trên tổng số tiền vay trong hợp đồng, tùy theo độ tuổi vay vốn. Khi tham gia dịch vụ bảo hiểm này, người vay được cấp “Giấy chứng nhận bảo hiểm bảo an tín dụng”. Đây là bằng chứng ký kết hợp đồng bảo hiểm giữa người vay và công ty bảo hiểm trực thuộc hệ thống ngân hàng cho vay vốn.

 Giao dịch vay vốn tại ngân hàng Sacombank Quảng Ngãi.
Giao dịch vay vốn tại ngân hàng Sacombank Quảng Ngãi.


Các ngân hàng cho loại hình bảo hiểm này là  “bà đỡ”, “lá chắn” đối với người vay. Vì, khi họ tử vong, thương tật do tai nạn... không trả được nợ cho ngân hàng, thì công ty bảo hiểm sẽ đứng ra chi trả. Xét cho cùng, đây là một loại hình bảo hiểm cần thiết để bảo toàn vốn vay cho ngân hàng.

Tuy nhiên, đã là bảo hiểm thương mại thì phải xuất phát từ sự tự nguyện của người tham gia. Thế nhưng, hầu hết các hợp đồng bảo an tín dụng hiện nay đều phát sinh hiệu lực cùng thời điểm với hợp đồng tín dụng.

Người vay phản ánh, khi bắt đầu lập hồ sơ vay vốn, cán bộ tín dụng giới thiệu thêm “gói” bảo hiểm và tự đưa ra giấy chứng nhận, rồi điền thông tin cần thiết của người vay, tự tính toán số tiền bảo hiểm phải đóng. Khi ký hợp đồng vay vốn, thì người vay ký luôn vào phần “người mua bảo hiểm” trên “Giấy chứng nhận bảo hiểm bảo an tín dụng”. Và khi được giải ngân, người vay phải đóng tiền phí mua bảo hiểm ngay.  Nhiều người vay cho rằng, quan hệ giao dịch hợp đồng bảo hiểm bảo an tín dụng như thế là không mang tính chất tự nguyện.

Cài đặt tin nhắn để “nhận thông báo đòi nợ”

Ông L.V.T ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), phản ánh: “Vay ngân hàng 100 triệu đồng đầu tư chăn nuôi, mà mua bảo hiểm và đóng tiền cài đặt tin nhắn hết gần 1 triệu đồng. Khó khăn mới đi vay vốn, nhưng bắt mua bảo hiểm, cài đặt tin nhắn thì thêm khó cho dân”.

Hiện tại, ngoài khoản mua bảo hiểm bảo an tín dụng, người vay còn được các ngân hàng chào mời “cài đặt tin nhắn” để theo dõi nợ vay. Với mức phí từ 40.000 – 45.000 đồng/hợp đồng vay vốn cho kỳ hạn một năm. “Tôi vay 50 triệu đồng của ngân hàng N, phí cài đặt tin nhắn hết 44.000 đồng. Theo tôi, việc trả nợ đúng hạn là của khách hàng; thu nợ là của ngân hàng. Tôi cài đặt tin nhắn chỉ để nhận thông báo đòi nợ, ngân hàng nên chịu phí này thay cho người vay mới phải”, bà N.T.C ở Tịnh Hà cho biết.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 21 ngân hàng thương mại, trừ Ngân hàng NN&PTNT thì hầu hết các khoản vay đều được các ngân hàng ký kết ở mức khá cao. Với mức vay cao, người vay thường tự tìm đến công ty bảo hiểm của ngân hàng để ký kết hợp đồng bảo an tín dụng, nhằm giảm gánh nặng trả nợ thay cho người thân.    

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.