Báo động "sức bền" của nông sản

02:07, 19/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hàng nông sản không rõ nguồn gốc ngày càng gia tăng trên thị trường, khiến người tiêu dùng bất an. Đăc biệt có không ít nông sản thiết yếu có “sức bền” rất đáng nghi ngờ, vì để rất nhiều ngày vẫn không bị hư hỏng.

TIN LIÊN QUAN

Chị Trần Thị Minh Nữ, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) cho hay, tháng 6 vừa rồi, tôi mua 5kg “Gạo đặc sản Long An – thơm Đài Loan". Gạo này nấu rất thơm và để 3 ngày mà vẫn thơm và dẻo. Ra đại lý hỏi vì sao gạo nấu cơm để nhiều ngày không thiu. Người bán gạo nói với tôi rằng họ mua của xe tải đi bỏ dạo, chứ không biết gạo của nhà máy nào!

 

 Những loại xoài nhỏ được bày bán khá nhiều tại chợ Quảng Ngãi.
Những loại xoài nhỏ được bày bán khá nhiều tại chợ Quảng Ngãi.


Thời gian gần đây, tại Quảng Ngãi xuất hiện nhiều loại trái cây như ổi, xoài có kích thước rất nhỏ. Hàng bày bán nhiều tại các chợ, dọc đường đi... Giá ổi từ 10.000 – 15.000 đồng/kg; xoài từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Tại chợ Quảng Ngãi, vài tuần trở lại đây, lượng "xoài mini" về khá nhiều. Khi hỏi về nguồn gốc xuất xứ, thì người bán thông tin qua loa. Có người thì bảo là hàng từ An Giang, hoặc Phan Rang; người lại bảo hàng phía Bắc...

Các chủ sạp cho biết, chưa bao giờ nhìn thấy giấy tờ ghi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý các loại xoài này. Chỉ thấy chủ vựa có hàng và thị trường bán cũng khá chạy nên mua về bán. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, ở tổ 20, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) kể: "Hôm đầu tháng, tôi mua 2kg về cúng. Khi mua xoài đã chín vàng.

Tôi và các con đi du lịch hơn 10 ngày mới về thì xoài vẫn vàng như thế, không hư quả nào. Tôi nghi ngờ có dùng thuốc bảo quản, để giữ độ tươi của quả. Đây là lần đầu tiên tôi mua loại xoài bé này và rất ngạc nhiên về độ bền màu, tươi nguyên của nó. Thú thật tôi không dám ăn, đem bỏ hết”.

Hiện nay, hầu hết người dân thành phố đều chọn cho mình giải pháp an toàn là mua lúa, rồi xay thành gạo ăn dần, hoặc mua gạo của các hộ kinh doanh mặt hàng này ở tận quê. Tuy nhiên, các mặt hàng thiết yếu như gạo, rau củ quả dùng mỗi ngày, khi phải lựa chọn hàng hóa từ quê chở ra cũng vất vả, không chủ động. Vì thế, nếu cứ hoài nghi với những nông sản ở chợ, ở vùng nội ô thành phố, không mạnh dạn tiêu dùng cũng là điều thiệt thòi cho người mua lẫn người bán.

Để giải tỏa nỗi lo cho người tiêu dùng, tăng lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, cần thiết phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng.

Trước tiên là cần kiểm soát chặt chẽ khâu sản xuất, lưu thông, để hàng hóa đảm bảo đẩy đủ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng mới cho phép đưa ra thị trường. Riêng mặt hàng rau củ quả khi nhập về chợ đầu mối cần phải thu mẫu kiểm tra hóa chất và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nếu lô hàng nào không nằm trong ngưỡng cho phép thì không cho phép lưu thông trên thị trường.


Bài, ảnh: THANH NHỊ


 


.