Khốn khổ vì ốc bươu vàng

09:06, 16/06/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Ốc bươu vàng, một loài sinh vật ngoại lai, đối tượng dịch hại nguy hiểm đối với cây trồng đang sinh sản nhanh, phá hoại mạnh trà lúa hè thu trên diện rộng ở những vùng trũng, ven kênh mương.

TIN LIÊN QUAN


Bắt không xuể

Nhiều diện tích lúa đang thì lúa non mơn mởn bị ốc bươu vàng phá hại be bét, ngã rạp. Tại thôn Phú Lâm, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành), nông dân đang khốn khổ vì ốc bươu vàng sinh sản nhanh, dày đặc ruộng.

Mấy ngày qua, 2 sào ruộng sạ được 10 ngày của vợ chồng lão nông Nguyễn Văn Nguyên bị ốc bươu vàng cắn phá vừa phải dặm lại lúa, vừa bắt vẫn không xuể. Trên đám ruộng của ông Nguyên ốc con, ốc lớn sinh sôi dày đặc, nhìn đâu cũng thấy chúng lè lưỡi bò lúc nhúc.

Ông Nguyên bày tỏ: “Chỉ sau một đêm thấy lúa bị cắn đứt ngang cây nổi bồng bềnh, tưởng nó bị bọ trĩ tui mua thuốc về phun nhưng vẫn thấy bị cắn, nhìn kỹ mới thấy ốc bươu vàng ăn hết sạch. Hai ba ngày nay, hai vợ chồng thi nhau bắt ốc, bắt không xuể tui mua thuốc về phun”.

 

Nhiều nông dân khóc ròng giữa ruộng trồng hoắc.
 


Trên nhiều đồng ruộng ở thôn Phú Lâm, không ít nông dân đi dặm lúa vừa mang theo cái bao ni lông để bắt ốc bươu vàng. Chỉ cần lội xuống ruộng vài phút là có thể bắt được cả vài ký ốc. Trên bờ ruộng, bao bì thuốc diệt ốc bươu vàng vương vải khắp nơi.

Lão nông tên Thịnh, hàng xóm của ông Nguyên cũng khổ sở vì 2 sào ruộng gần đấy trống trơn, nhưng chưa tìm ra người để dặm lại lúa.

Theo lão nông Thịnh, các năm trước, đồng ruộng ở đây chưa thấy ốc bươu vàng xuất hiện, nhưng từ vụ đông xuân 2016 - 2017, chúng xuất hiện lác đác, đến vụ hè thu này thì bùng phát gấp nhiều lần. Nhiều diện tích lúa của bà con bị phá hại nghiêm trọng, nếu không tiêu diệt nhiều khả năng sẽ trở thành đại dịch trên đồng ruộng vào năm sau.

Tại thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa), người dân cũng lo ngại trước sự “xâm nhập” của ốc bươu vàng. Trứng và ốc bươu vàng nằm la liệt trên bờ, dưới ruộng lẫn mương tưới, mương tiêu.

Không nên lạm dụng thuốc diệt trừ

Ốc bươu vàng là sinh vật ngoại lai có tốc độ sinh sản rất nhanh và gây hại mạnh trên đồng ruộng. Chúng đẻ trứng thành từng ổ, mỗi ổ khoảng 200 - 300 trứng trong khoảng 3 giờ.  Sau 7 - 15 ngày, trứng sẽ nở thành ốc non. 

 

Ốc bươu vàng đang sinh sản mạnh.
Ốc bươu vàng đang sinh sản mạnh.

 

Trước sự “xâm nhập” của ốc bươu vàng, hầu hết người dân thay bỏ công sức đi bắt ốc, diệt trứng ốc để tiêu diệt tận gốc lại chọn cách tiêu diệt nhanh, gọn nhất là dùng thuốc bảo vệ thực vật để diệt ốc dẫn đến các sinh vật khác như tôm, cua, cá đều chết theo. Vì thế, không nên lạm dụng thuốc diệt trừ.

Lão nông Nguyễn Văn Nguyên thừa nhận việc dùng thuốc diệt ốc bươu vàng không những khiến các sinh vật khác bị ảnh hưởng mà nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng, nhưng lực bất tòng nên bất đắc dĩ phải sử dụng.

Theo ông Phạm Bá- Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật và trồng trọt, để diệt ốc bươu vàng hiệu quả, bà con nên vét rãnh xung quanh ruộng, ốc di chuyển đến nằm ở các vũng nước để dễ bề thu gom tiêu diệt hoặc đóng các cọc tre quanh ruộng hay đầu nguồn nước dẫn vào ruộng, đặc tính của ốc bươu vàng là leo lên cây để đẻ mà diệt chúng.

Cùng với diệt trừ ở ruộng nhà mình, bà con cần diệt trừ ốc ở những kênh mương dẫn nước vào ruộng, xung quanh ruộng để tiêu diệt nguồn sinh sản, hạn chế đến mức thấp nhất ốc bươu vàng gây hại đến lúa hè thu, làm ảnh hưởng năng suất.
 

Bài, ảnh: C.P

 


.