Chăn nuôi gia công: Lãi ít, nhưng an toàn

04:06, 01/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước thực trạng dịch bệnh và giá cả bấp bênh, nhiều hộ đã chọn cách liên kết nuôi heo, gà gia công cho các doanh nghiệp lớn. Cách làm này vừa mang lại lợi nhuận, vừa đảm bảo an toàn, bởi người chăn nuôi được bao tiêu sản phẩm.


Tận dụng lợi thế về đất rừng, nằm cách xa khu dân cư, nên ông Cao Văn Thân, thôn Phú Lễ 2, xã Bình Trung (Bình Sơn) đã đầu tư chuồng trại để nuôi gà. Tuy nhiên, sau nhiều lứa thả nuôi, ông Thân chỉ huề vốn hoặc lỗ do chưa có kinh nghiệm, cũng như công tác thú y yếu, dẫn đến số gà hao hụt nhiều.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước thực trạng dịch bệnh và giá cả bấp bênh, nhiều hộ đã chọn cách liên kết nuôi heo, gà gia công cho các doanh nghiệp lớn. Cách làm này vừa mang lại lợi nhuận, vừa đảm bảo an toàn, bởi người chăn nuôi được bao tiêu sản phẩm.
Chăn nuôi gia công giúp nông dân an tâm đầu tư.


Đang loay hoay không biết tiếp tục tái đàn như thế nào, ông nghe Công ty C.P có đầu tư cho nuôi gà, nên quyết định tìm hiểu. Sau khi khảo sát, nhận thấy ông Thân có đủ điều kiện nuôi, nên Công ty C.P chấp nhận liên kết đầu tư. Qua 4 năm chăn nuôi gia công, dường như lứa gà nào của ông Thân cũng được đối tác thưởng, vì chăm sóc tốt, độ hao hụt ít.

Ông Thân chia sẻ: “Trước đây tôi nuôi gà với hình thức nhỏ lẻ và gặp nhiều rủi ro từ dịch bệnh cho đến khâu mua thức ăn, tiêu thụ sản phẩm... Qua quá trình tìm hiểu, tôi quyết định đầu tư chuồng trại để nuôi gia công cho Công ty C.P và nhận thấy, chăn nuôi theo hướng này an toàn hơn. Vật nuôi được đối tác tiêm phòng vắc xin, khử độc chuồng trại... nên rất an toàn. Đặc biệt, đầu ra, đầu vào đều có đối tác bao tiêu”.

Nhận thấy chăn nuôi gia công đem lại hiệu quả, đầu năm 2017, ông Thân rủ thêm người quen tiếp tục đầu tư 1 tỷ đồng để xây dựng hai khu chuồng trại, với tổng diện tích 2.000m2. Theo thỏa thuận giữa ông Thân và Công ty C.P, trung bình 1kg gà ông Thân hưởng khoảng 6.000 đồng. Như vậy, với trên 30 nghìn con/lứa như hiện nay, trung bình mỗi năm ông sẽ thu về trên nửa tỷ đồng.

Không riêng gì ông Thân, để ổn định đầu ra cho sản phẩm và ít phải chịu rủi ro, nhiều trang trại trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng gia công. Trong đó, có nhiều hộ nuôi với số lượng lớn từ 1.000 con đến vài nghìn con heo. Từ đó, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người chăn nuôi.

Lợi thế của việc chăn nuôi theo mô hình tập trung là các hộ nuôi sẽ được đối tác đầu tư trọn gói từ giống, thức ăn, kỹ thuật, còn người nuôi chỉ tốn công chăm sóc, vệ sinh chuồng trại. Tuy nhiên, để được nuôi gia công, điều đầu tiên người nuôi phải có diện tích đất phù hợp và việc xây dựng chuồng trại thực hiện theo đúng tiêu chuẩn của các công ty đưa ra. “Chăn nuôi gia công là hình thức đầu tư sản xuất chậm mà chắc. Thu nhập từ chăn nuôi gia công khá ổn định. Bản thân tôi cũng không phải suy nghĩ, lo lắng về thị trường nữa. Cơ bản là mình nuôi sao cho tốt, độ hao hụt ít, còn mọi thứ đã có công ty lo", anh Thắng, một hộ chăn nuôi gà gia công chia sẻ.

Trong tình hình chăn nuôi tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi dịch bệnh, đầu vào và đầu ra bấp bênh như hiện nay, liên kết chăn nuôi gia công giữa doanh nghiệp và trang trại là một giải pháp an toàn cho những người có vốn và mặt bằng. Trước hết là đầu vào sản phẩm, gồm con giống và thức ăn đã được bao tiêu toàn bộ. Việc tiêu thụ sản phẩm cũng do doanh nghiệp chủ động, nên sau mỗi đợt xuất chuồng, người chăn nuôi đều có thu nhập, không phải lo về giá cả và vấn đề lỗ hay lãi.

Tuy nhiên, dù là tự nuôi hay nuôi gia công, các trang trại nuôi heo cần phải đảm bảo môi trường. Theo đó, với người chăn nuôi, khi làm chuồng trại cũng phải tính chi phí xử lý môi trường vào giá thành, từ đó yêu cầu các công ty phải trả chi phí gia công cao lên. Về phía các công ty chăn nuôi cũng phải có trách nhiệm san sẻ với người nuôi trong vấn đề này. Bởi, xử lý môi trường tốn rất nhiều kinh phí. Đồng thời, có thể hỗ trợ chính sách công nghệ đối với chuồng trại, hoặc nâng lợi nhuận cho người chăn nuôi để họ xử lý môi trường.


Bài, ảnh: H.HOA


 


.