Xâm nhập mặn vùng ven biển: Người dân cần được định hướng ứng phó

07:05, 19/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Làm thế nào để người dân có thể chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ xâm nhập mặn vào nội đồng, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, là những câu hỏi mà người dân đang chờ đợi các cấp, ngành quan tâm, giải đáp.

TIN LIÊN QUAN

Hằng năm, cứ đến tháng 5 là hơn 10ha đất nông nghiệp tại xứ đồng đồng Máng – đồng Vườn, thôn An Cường, xã Bình Hải (Bình Sơn) lại bị xâm nhập mặn, khiến người dân địa phương phải bỏ ruộng. Còn tại xã Phổ Vinh (Đức Phổ), 5ha đất nông nghiệp tại thôn Nam Phước do nằm sát bãi biển Nam Phước, nên tình trạng xâm nhập mặn vào mùa khô cũng thường xuyên diễn ra.

 Khu vực dự kiến xây dựng đập ngăn mặn Trà Bồng - một trong những công trình trọng điểm của tỉnh (xây dựng trong giai đoạn 2017 - 2021) sẽ giúp ngăn mặn cho khoảng 400ha đất sản xuất.
Khu vực dự kiến xây dựng đập ngăn mặn Trà Bồng - một trong những công trình trọng điểm của tỉnh (xây dựng trong giai đoạn 2017 - 2021) sẽ giúp ngăn mặn cho khoảng 400ha đất sản xuất.


Riêng tại các xã ven biển Đức Lợi, Đức Thắng (Mộ Đức), trước khi công trình đập ngăn mặn Đức Lợi đi vào hoạt động, người dân địa phương cũng từng điêu đứng vì nước mặn xâm nhập liên tục vào nội đồng, nhất là trong những tháng cao điểm của mùa nắng nóng. Tuy không xảy ra nghiêm trọng như đồng bằng sông Cửu Long, nhưng tình trạng xâm nhập mặn tại khu vực ven biển trên địa bàn tỉnh cũng đang ngày một thể hiện rõ nét và trực diện tác động đến đời sống sản xuất và sinh kế của người dân.
 

Tìm lợi thế trong bất lợi

Tỉnh Sóc Trăng đã áp dụng thành công mô hình luân canh một vụ tôm một vụ lúa, để thích ứng với tình trạng xâm nhập mặn. Vào mùa nước ngọt, bà con trồng lúa nhưng đến mùa khô, khi nước mặn tràn vào ruộng đồng, thì người dân thả nuôi tôm. Đây là cách canh tác thông minh và bền vững mà Quảng Ngãi có thể học hỏi.
Giáo sư NGUYỄN LÂN DŨNG

Trước tình trạng xâm nhập mặn, biến đổi khi hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều dự án nâng cấp, đầu tư xây dựng kênh mương, đê kè, đập ngăn mặn... đã và đang được tỉnh khẩn trương triển khai. Song, theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đến nay, số công trình làm nhiệm vụ ngăn mặn mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, gồm: Đập ngăn mặn Bình Phước; đê Bình Dương, Bình Chánh, Bình Nguyên, đê kè Hòa Hà, đê kè Đức Lợi, đập ngăn mặn An Quang, đập Hiền Lương.

Đây là con số quá nhỏ so với 130km bờ biển và hàng trăm cây số cửa sông cần được xây dựng đê, kè ngăn mặn. Ngoài ra, do phần lớn đê đều được xây dựng từ năm 1976 – 2000, nên đã xuống cấp, chưa đảm bảo được nhiệm vụ ngăn mặn, thoát nước.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi Nguyễn Mậu Văn, trong thời gian đến, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phải tính toán đến các giải pháp phi công trình như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các giống cây trồng chịu được mặn... để người dân có thể chủ động hơn trong ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp.

Tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp do Sở KH&CN tổ chức mới đây, giáo sư Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam khẳng định: Để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, ngoài việc xây dựng các công trình ngăn xâm nhập mặn, tỉnh cần chủ động tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ cây lúa và hoa màu không chịu được mặn sang giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với nước lợ, nước mặn, nếu không sẽ trở tay không kịp với những tác động ngày càng phức tạp của tình trạng xâm nhập mặn.


Bài, ảnh: Ý THU

 


.