Xã hội hóa phát triển hạ tầng công nghiệp: Cần tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư

01:05, 05/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chủ trương của tỉnh trong đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghiệp hiện nay là chuyển việc đầu tư chủ yếu từ sử dụng ngân sách nhà nước sang thu hút doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phương thức hợp tác công tư (PPP). Tuy nhiên, cần tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư bằng những cơ chế, chính sách thuận lợi và công tác giải phóng mặt bằng các dự án.

Nhiều ưu đãi thuận lợi...

Theo Quyết định 36/2016 của UBND tỉnh ban hành Quy định về ưu đãi, hỗ trợ và thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ngãi thì đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế, cụm công nghiệp thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư.

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là một trong những
Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là một trong những "nút thắt" ảnh hưởng đến việc thu hút các dự án đầu tư vào Quảng Ngãi. Trong ảnh: Mặt bằng dự án Khu công nghiệp - đô thị Dung Quất còn một số vướng mắc chưa giải quyết xong.


Theo đó, dự án có vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở lên sẽ được ưu đãi, hỗ trợ: Nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm, với mức tỷ lệ 0,5%/năm (mức thấp nhất theo quy định của Chính phủ) để xác định đơn giá cho thuê đất. Hỗ trợ tương đương 20% chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng phần diện tích đất thực hiện của dự án, nhưng không quá 20 tỷ đồng/dự án đầu tư đến 100ha, không quá 30 tỷ đồng/dự án trên 100ha. Bên cạnh đó, với các dự án đầu tư không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất, tỉnh ưu tiên quỹ đất sạch của địa phương để nhà đầu tư thực hiện dự án. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% chi phí xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung, nhưng không quá 10 tỷ đồng/khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế; không quá 5 tỷ đồng/cụm công nghiệp. Hỗ trợ đào tạo lao động 2 triệu đồng/lao động/khóa đào tạo từ đủ 3 tháng đến dưới 6 tháng...

Để thực hiện quy định nói trên, UBND tỉnh đã giao các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn nơi có dự án đầu tư có trách nhiệm hỗ trợ và ưu tiên giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư trong thời gian sớm nhất. Nếu tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao sẽ bị xử lý, thậm chí nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Nhưng nhà đầu tư khó tiếp cận

Chủ trương, chính sách của tỉnh trong việc đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp theo hướng xã hội hóa là hết sức đúng đắn, nhất là trong giai đoạn ngân sách Trung ương “rót” về tỉnh, cũng như ngân sách tỉnh và các huyện, thành phố còn eo hẹp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là phải làm sao để chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu hút đầu tư, nhất là đối với các dự án xã hội hóa phát triển hạ tầng công nghiệp đi vào cuộc sống.

Một số doanh nghiệp đang đầu tư tại Quảng Ngãi cho rằng, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư được tỉnh ban hành (như Quyết định 36 của UBND tỉnh) để hưởng được thì không phải dễ. Bởi phải qua khá nhiều thủ tục, hồ sơ liên quan đến rất nhiều sở,  ngành và các địa phương, khiến các nhà đầu tư không thật mặn mà.

Đơn cử như đối với quy trình, thủ tục hỗ trợ đầu tư công trình xử lý nước thải tập trung phải qua 3 bước: Bước 1, đề xuất danh mục các công trình đề nghị hỗ trợ, gồm: Sự cần thiết đầu tư; mục tiêu, quy mô; dự kiến tổng mức vốn và cơ cấu nguồn vốn, tiến độ thực hiện (tổng cộng 8 bộ hồ sơ). Bước 2 là thẩm định, phê duyệt đề xuất hỗ trợ, do Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan thẩm định danh mục công trình hạ tầng kỹ thuật cần hỗ trợ, trình UBND tỉnh xem xét quyết định. Và bước 3 là UBND tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư, sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực HĐND tỉnh. Hồ sơ, thủ tục, thẩm định và phê duyệt đầu tư các công trình được hỗ trợ thực hiện như đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Theo đề xuất của các nhà đầu tư, tỉnh cần thành lập một cơ quan đầu mối hỗ trợ nhà đầu tư “trọn gói” về thủ tục đầu tư, cũng như tất cả các thủ tục, hồ sơ để được hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi theo quy định. Đồng thời, việc cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở các sở, ban ngành và địa phương phải được triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa, cùng với đó là tích cực giải quyết nhanh gọn công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án, nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi.

Bài, ảnh: PHẠM DANH

 


.