Sản xuất giỏi trên vùng đất khó

03:05, 04/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, thành lập mô hình trang trại, nhiều nông dân ở Ba Tơ đã vươn lên thoát nghèo, trở thành nông dân tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi.
 
Mang trong mình hoài bão làm giàu trên vùng đất mới, năm 1994, anh Chế Minh Thái rời quê Mộ Đức lên lập nghiệp ở thôn Làng Lũy, xã Ba Tiêu (Ba Tơ). Ngày đó, lối về Làng Lũy là đường mòn, xung quanh rừng rậm, heo hút, nên vợ con anh muốn bỏ về xuôi. Nhưng rồi, với quyết tâm vượt khó, anh Thái đã khuyên vợ con bám trụ chăn nuôi heo, còn anh khai hoang vỡ hóa đất trống đồi núi trọc để trồng rừng.

Năm 2009, anh tham dự lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Có kiến thức, anh về mở rộng diện tích chăn nuôi, làm chuồng trại, chọn giống mới áp dụng kỹ thuật để nuôi heo theo mô hình khép kín. Đến năm 2012, mô hình Vườn – Ao – Chuồng – Rừng (VACR) của anh được hình thành và bắt đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Kinh tế rừng đã góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững ở Ba Tơ.
Kinh tế rừng đã góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững ở Ba Tơ.


Hằng năm, cơ sở chăn nuôi của anh cung cấp hơn 200 con heo sạch  ra thị trường và thu lãi hơn 40 triệu đồng. Anh còn tận dụng bãi bồi sông Re, đất rừng để trồng cỏ nuôi bò sinh sản, nuôi gà thả vườn. Hằng năm, đàn bò sinh sản được 4 bê con và bán ra thị trường gần 500 con gà thả vườn. Kinh tế ổn định, anh Thái có điều kiện chăm lo cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học, góp phần xây dựng khu dân cư khang trang và trở thành nông dân tiêu biểu của huyện.

Còn gia đình anh Nguyễn Đình Hôn ở thôn Vã Nhăn, thị trấn Ba Tơ cũng có cuộc sống khấm khá nhờ chăn nuôi. Anh không tập trung chăn nuôi heo thịt mà chuyên nuôi heo sinh sản (heo lai) để cung ứng nguồn con giống cho người chăn nuôi. Để môi trường không bị ô nhiễm, anh đã đầu tư xây dựng hầm biogas để dùng làm khí đốt. Ngoài ra, anh còn chăn nuôi bò, làm bánh tráng để lấy nước bột chăn nuôi. Với cách làm này, hàng năm anh đã xuất ra thị trường hàng trăm con giống và hàng ngàn ký thịt heo sạch, doanh thu vài trăm triệu đồng.

Ở Ba Tơ hiện nay còn có hàng trăm hộ nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số, biết dựa vào đất rừng để trồng cây công nghiệp kết hợp chăn nuôi, trở thành nông dân tiêu biểu của huyện. Có được kết quả đó là nhờ, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã phối hợp với khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn làm ăn.

Như Hội Nông dân xã Ba Vinh đã tạo điều kiện cho 94 hộ vay với dư nợ hơn 4,2  tỷ đồng để  đầu tư sản xuất. Nhiều mô hình VACR và phát triển kinh tế trang trại mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình. Hội Nông dân Ba Vì thì tích cực hỗ trợ nông dân vay vốn cả hai Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NN&PTNT huyện lên đến hơn 10,2 tỷ đồng để giải quyết việc làm, kinh doanh, xuất khẩu lao động...

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Huỳnh Thương, cho biết: Phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi” đã góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo hội viên, giúp họ đổi mới cách nghĩ, cách làm, sử dụng nguồn vốn hiệu quả và vận dụng sáng tạo những tiến bộ KHKT vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần quan trọng vào công cuộc XĐGN và đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn.

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN

 


.