Nguy cơ sinh vật ngoại lai gây hại rừng đước tự nhiên

02:05, 31/05/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Không chỉ rừng đước 3 năm tuổi tại xã Bình Thuận (Bình Sơn) được trồng trong Dự án “Ứng phó với biến đổi khí hậu” bị chết vì sinh vật lạ gây hại, hiện rừng đước tự nhiên vài chục năm tuổi cũng có hiện tượng bị đục rễ, có cây đã chết.

TIN LIÊN QUAN

Sinh vật ngoại lai
 
Theo chân bà Võ Thị Cửu, ngụ ở thôn Tuyết Diêm 1 đến khu vực sông Đầm, chúng tôi chứng kiến cảnh cây đước được trồng trong Dự án “Ứng phó với biến đổi khí hậu” cao khoảng 1m chết hàng loạt khô trơ thân, nhiều nơi hầu như “xóa sổ”. 
 
Bà Cửu nói: “Mấy chục năm sống ở đây, chưa bao giờ thấy sâu bệnh làm chết hàng loạt các loại cây rừng ngập mặn như rừng đước. Bộ rễ cây đước mọc tủa nên cây đước luôn đứng vững trên đất sình lầy, gió bão còn chẳng lay chuyển, vậy mà nay lại bị chết vì bị bệnh”.
 
Quan sát, các cây đước bị chết, chúng tôi thấy cây bị đục khoét khắp thân cây và rễ, bẻ cây ngay chỗ bị đục khoét, các sinh vật nhỏ hình bầu dục màu nâu loi nhoi, có chỗ bị đục khoét có đến 5 - 6 con ở ẩn, vỏ chúng rất cứng, khi có vật lạ chạm vào, nó thu mình tròn vo thay vì hình bầu dục.
 
 
Sinh vật ngoại lai hình bầu dục làm cây đước chết.
Sinh vật ngoại lai hình bầu dục làm cây đước chết.
 
Ông Phí Quang Hiển- Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, cây đước trồng trong dự án 3 năm qua phát triển rất tốt, tuy nhiên, khoảng từ tháng 3.2017, cây có hiện tượng vàng lá rồi chết khô. Qua kiểm tra bước đầu, các cơ quan chuyên môn xác định, sinh vật lạ này chưa từng ghi nhận ở Việt Nam, là sinh vật ngoại lai. 
 
Cây đước bị chết vì sinh vật này đục khoét vào thân, rễ, hút hết dưỡng chất trên thân cây làm cho cây chết. Khả năng sinh vật ngoại lai bám vào các cây gỗ mục trôi lênh đênh trên biển, khi thủy triều lên chúng bám vào cây đước con gây hại. 
 
Nguy cơ đe dọa rừng đước tự nhiên
 
Thực hiện Chương trình “Ứng phó với biến đổi khí hậu” được Bộ TN-MT tài trợ, năm 2014, Sở TN-MT triển khai trồng rừng ngập mặn với diện tích 41 ha, trong đó có 9,1ha cây đước, còn lại là cây cóc.
 
Mục tiêu của Dự án là nhằm cải thiện môi trường, hạn chế sự tác động tiêu cực do nước biển dâng, phòng chống xói mòn, sạt lở đất ven biển, bảo vệ bờ biển khỏi bị ăn lấn vào trong đất liền, mà còn mở rộng bờ biển.
 
 
Rừng đước 3 năm tuổi đứng trước nguy cơ
Rừng đước 3 năm tuổi đứng trước nguy cơ bị "xóa sổ".
 
Cùng với diện tích rừng đước tự nhiên, rừng đước và cóc được trồng thêm trong Dự án sẽ góp phần cải thiện môi trường sống, bảo tồn được sự đa dạng sinh học vùng ven biển này. Bởi rừng đước còn là nơi cư trú của nhiều loại chim, tôm, cá, cua, làm cân bằng sinh thái bờ biển. Tuy nhiên, hiện khoảng 70% cây đước được trồng mới tại khu vực này đã chết. 
 
Không chỉ rừng đước được trồng trong Dự án nguy cơ “xóa sổ” hiện hữu mà rừng đước tự nhiên tại vùng đầm lầy xã Bình Thuận cũng đang đứng trước nguy cơ bị sinh vật lạ gây hại, phá vỡ cân bằng sinh thái bản địa. 
 
Ghi nhận tại các cây đước tự nhiên, 10 rễ thì có 2 rễ bị chết vì bị sinh vật ngoại lai này đục khoét, hút dưỡng chất, đã có 1 số cây vài chục năm tuổi bị chết. 
 
“Chúng tôi đã nhờ Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp thuộc Viện Lâm nghiệp Việt Nam vào tận nơi lấy mẫu xét nghiệm để xác định rõ sinh vật gây hại, nhưng vẫn chưa có kết quả chính thức. Nếu không có biện pháp phòng trừ hiệu quả, chúng tôi đang lo ngại ngại sinh vật này sẽ gây hại cả đến cây cóc và rừng đước tự nhiên”- ông Phí Quang Hiển nói. 
  
Với loại rừng ngập mặn như rừng đước, hiếm khi xuất hiện sâu bệnh nhiều làm chết cây, do vậy, hiện tượng cây chết vì bệnh cần được xem xét và lý giải một cách khoa học. 
 
Bài, ảnh: A.KIỀU
 
 

.