Khi đất chuyển mình

02:05, 03/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ vùng đất khô cằn, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) hiện đã là điểm đến của hàng loạt nhà máy, xí nghiệp, thu hút lao động khắp nơi đổ về, khiến nhịp sống nơi đây ngày đêm hối hả.

Vào giờ tan ca, Quốc lộ 1 qua địa bàn xã Tịnh Phong đông nghịt người. Hàng nghìn công nhân từ các nhà máy sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử Foster, rồi người lao động ở các xưởng may, công trường, nhà máy cơ khí trong KCN  Tịnh phong, KCN – dịch vụ và đô thị VSIP Quảng Ngãi đi về khắp ngả đường. Với lợi thế phát triển công nghiệp, Tịnh Phong đang dần chuyển mình.

Đất lành, doanh nghiệp đến

Gần 6 năm trước, khi Nhà nước thu hồi toàn bộ nhà cửa, đất sản xuất để xây dựng khu VSIP, anh Biện Văn Dung, ở thôn Thế Long được bố trí đất tái định cư, rồi xây nhà ở sát KCN. “Ra đây mọi nếp sống, sinh hoạt khác xưa. Mở cửa ra là thấy nhà máy sản xuất. Nhiều thanh niên trong làng tìm việc làm ổn định trong KCN”, anh Dung nói. Theo anh Dung, khi phát triển công nghiệp dân ở đây hưởng lợi được nhiều thứ, đường sá được bê tông, trường trạm được đầu tư xây dựng khang trang hơn trước, hàng hóa, dịch vụ đa dạng hơn, giá đất tăng lên, người dân có điều kiện để kinh doanh buôn bán...

Công nhân của Công ty may Thuyên Nguyên (KCN Tịnh Phong) đang hoàn thiện các sản phẩm.                                    Ảnh: BS
Công nhân của Công ty may Thuyên Nguyên (KCN Tịnh Phong) đang hoàn thiện các sản phẩm. Ảnh: BS


Nằm dọc Quốc lộ 1, Tịnh Phong hầu như dành đất ưu tiên phát triển các nhà máy, KCN. Xã Tịnh Phong chỉ có hơn 2.700ha đất tự nhiên. Những đồng ruộng rộng lớn ngày nào giờ đã trở thành những khu nhà xưởng bề thế. Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Phong Đào Thị Xuân Thủy cho hay, toàn xã có 2.802 hộ thì có gần 2/3 trong số đó đã nhường đất để xây dựng các KCN. Nhiều hộ nông dân nhận tiền bồi thường đã xây dựng nhà cửa, rồi đầu tư kinh doanh, sản xuất. Thanh niên ở độ tuổi lao động thì vào nhà máy, còn người hết tuổi lao động thì mở dịch vụ. Ở đây, người dân mở quán ăn, nước giải khát phục vụ cho công nhân cũng có thể kiếm tiền sinh hoạt hằng ngày.

Tròn 20 năm trước, KCN Tịnh Phong được xây dựng là bước đệm đầu tiên hình thành nên một vùng công nghiệp trọng điểm phía bắc của tỉnh.
 

Theo Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, hiện nay, hai KCN Tịnh Phong và VSIP Quảng Ngãi mỗi năm giải quyết việc làm cho gần 12.000 lao động trong tỉnh. Trong đó, Công ty Điện tử Foster đã thu hút, tạo việc làm thường xuyên trên 2.600 công nhân lao động, Công ty giày Rieker Việt Nam – chi nhánh Quảng Ngãi thu hút 1.900 lao động, Công ty TNHH KingMaker III (Việt Nam) Footwear thu hút trên 1.700 lao động…

Hiện nay, khu VSIP đang tiếp nối sự phát triển của vùng công nghiệp này.. “Đất lành” phải tạo môi trường thông thoáng chào đón nhà đầu tư. Và Tịnh Phong đã nổi lên bằng lực hút, sức lan tỏa mạnh mẽ, với hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài nước đến “chọn mặt gửi vàng”. Theo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, riêng ở KCN Tịnh Phong đã có 30 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất (4 doanh nghiệp FDI), diện tích đất xây dựng nhà máy, công xưởng chiếm trên 140ha, với đa dạng các hình thức sản xuất từ lĩnh vực may mặc, nông lâm sản, dân dụng cơ khí, xây dựng đến lĩnh vực khai khoáng và linh kiện điện tử. Còn ở khu VSIP đã mở rộng trên 400ha, hiện đã thu hút được 14 nhà đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 200 triệu USD. Trong đó có 12 nhà đầu tư FDI đến từ các nước và vùng lãnh thổ như Philippines, Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore... Hiện nay, đã có 7 doanh nghiệp FDI đi vào hoạt động.

Nơi giữ chân lao động địa phương

Phát huy lợi thế “sân nhà”, những thanh niên ở Tịnh Phong xin vào làm việc trong các nhà máy, còn những người lớn tuổi, giảm sức lao động thì mở các loại hình dịch vụ như quán ăn, buôn bán tạp hóa, mở các khu trọ phục vụ nhu cầu của công nhân... Chị Trần Thị Lệ Thu, ở thôn Thế Lợi, rất hài lòng khi giờ đây chị đã là công nhân của Công ty TNHH điện tử Foster. Chị bảo: “Mỗi tháng mình có thu nhập ổn định, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Giờ không phải lo dầm mưa dãi nắng ngoài đồng, thu nhập bấp bênh nữa”.

Trước đây, trên địa bàn tỉnh, phần lớn người lao động thường vào làm việc tại các nhà máy ở các tỉnh phía nam, nhưng 5 năm trở lại đây, các KCN đóng tại Tịnh Phong đã “giữ chân” nhiều lao động ở lại với quê nhà. Nhiều lao động “ly nông”, nhưng “không ly hương”. Theo thống kê, năm 2014 có gần 25.000 lao động làm việc tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, nhưng hiện nay đa số công nhân đã về các khu, cụm công nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, trong đó nhiều nhất là làm việc ở KCN Tịnh Phong và khu VSIP. Vùng đất mở đã hút lao động các huyện lân cận đến địa phương làm việc, đóng góp nguồn lực phát triển quê hương.

 

VŨ YẾN


 


.