Gỡ "nút thắt" để giảm nghèo bền vững tại xã nghèo "nhất nước"

09:05, 31/05/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước và các các cấp chính quyền quan tâm đầu tư, hỗ trợ các chương trình, chính sách để giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, thế nhưng hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Trà Khê (Tây Trà) hiện vẫn còn gần 84%. Đây là một trong những thách thức lớn cho chính quyền địa phương trên hành trình giảm nghèo bền vững. 

TIN LIÊN QUAN

Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 2013- 2016, từ các chương trình 30a, 135 thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, Nhà nước đã hỗ trợ xã Trà Khê trên 5,6 tỷ để triển khai thực hiện hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng…
 
Cùng với đó, thông qua các chính sách dân tộc miền núi như: Chính sách hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ tiền điện và dầu hỏa thắp sáng, cấp không thu tiền các mặt hàng thiết yếu, vay vốn ưu đãi… Nhà nước cũng đã hỗ trợ xã Trà Khê hàng tỷ đồng. 
 
Không thể phủ nhận, các chính sách này được triển khai đã từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân xã Trà Khê, nhưng nếu xét tính hiệu quả và bền vững, thì có thể khẳng định chưa hiệu quả. Bởi, dù được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, song tỷ lệ hộ nghèo của xã Trà Khê vẫn nằm ở tốp cao nhất nước. Theo báo cáo của xã Trà Khê, hiện tại, toàn xã có 436 hộ, nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến gần 84% và tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm trên 2,5%. 
 
Điều kiện tự nhiên khó khăn, trình độ canh tác lạc hậu...là một trong những lực cản khiến công tác giảm nghèo ở xã Trà Khê gặp nhiều khó khăn
Điều kiện tự nhiên khó khăn, trình độ canh tác lạc hậu... là một trong những lực cản khiến công tác giảm nghèo ở xã Trà Khê gặp nhiều khó khăn.
 
“Mổ xẻ” nguyên nhân việc đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thời gian qua không mang lại hiệu quả như mong muốn trên địa bàn xã Trà Khê, trong buổi việc giữa Đoàn công tác tỉnh với lãnh đạo xã Trà Khê mới đây, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh nguyên nhân diện tích canh tác ít, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế, đầu ra sản phẩm khó khăn…thì một trong những nguyên nhân chính là vì các chính sách hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ gia đình và cả các chính sách đầu tư tạo sinh kế cho người dân được địa phương thực hiện "chưa đến nơi, đến chốn". 

Những chính sách mang tính cho "con cá" như hỗ trợ tiền điện, tiền dầu, muối, gạo cứu đói,... hầu hết các hộ gia đình chi dùng và hết nhanh chóng. Còn các chính sách đầu tư tạo sinh kế thì nhiều khi nằm trong nghịch lý: cái cần không có, cái có không cần hoặc không hiệu quả...

Câu chuyện về hỗ trợ cây quế giống cho người dân là một thí dụ. Hầu hết cây quế  giống được cấp cho các hộ dân được thụ hưởng trong giai đoạn 2013- 2016 đều trễ so với thời vụ trồng nên theo thừa nhận của chính quyền địa phương, phần lớn cây quế cấp cho người dân  trồng tỷ lệ sống khá thấp, khiến việc hỗ trợ quế giống cho người dân không mang lại hiệu cao. 

Chủ tịch UBND xã Trà Khê UBND xã Trà Khê Hồ Văn Trực cũng thừa nhận, thời gian qua, do địa phương chưa quyết liệt trong công tác đầu tư để nâng cao hiệu quả; việc đầu tư cho các hộ dân được thụ hưởng còn dàn trải, chưa tập trung. Có nhiều hộ được thụ hưởng tỏ ra lơ là, không thực hiện đem bỏ hoặc đem bán…
 
Trong khi đó, tình trạng một bộ phận không nhỏ người dân có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các dự án, chương trình, chính sách ưu tiên của Nhà nước; thêm vào đó là ý thức tự thân vươn lên thoát nghèo của người chưa cao. Bởi, nhiều người dân muốn “nghèo” để được hưởng chế độ chính sách ưu tiên của Nhà nước…
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ kiểm tra thực tế các mô hình phát triển kinh tế ở xã Trà Khê
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ kiểm tra thực tế các mô hình phát triển kinh tế ở xã Trà Khê
 
Trong buổi làm việc với lãnh đạo xã Trà Khê và huyện Tây Trà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đề nghị, lãnh đạo huyện, xã và các cấp ngành liên quan cần phải trăn trở, suy nghĩ, làm gì để người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, để giảm nghèo? Làm sao để tiền đầu tư của Nhà nước đưa xuống, từ đầu tư cơ sở hạ tầng đến hỗ trợ phát triển sản xuất, cho vay ưu đãi, xuất khẩu lao động… tất cả phải thực hiện đầu đủ và chính xác, để các chính sách đó triển khai thực sự có hiệu quả.
 
“Rút kinh nghiêm hơn 10 năm vừa rồi địa phương thực hiện chương trình 30a, 135.. ở trên địa bàn và điều kiện thực tế của Trà Khê để chúng ta hỗ trợ cho người dân cây, con giống phù hợp. Nếu chúng ta không làm tốt thì 10 năm sau nữa cũng như đi ngược lại 10 năm trước”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ trăn trở. 
 
Để giảm nghèo bền vững, trước hết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ yêu cầu xã Trà Khê, phải rà soát, đánh giá lại hộ nghèo cho chuẩn xác. Nêu cao vai trò trách nhiệm của cán bộ xã, thôn trong việc thực hiện các chương trình giảm nghèo. Tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc nỗ lực sản xuất và thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách ưu tiên của Nhà nước.
 
Đặc biệt sẽ tiến tới giảm dần chính sách “cho không”, tăng dần chính sách hỗ trợ kèm theo điều kiện. Tốt nhất là không hộ trợ theo kiểu cào bằng, chia đều bình quân mà hỗ trợ giảm nghèo có địa chỉ, phân loại rõ nguyên nhân nghèo để có giải pháp hỗ trợ giảm nghèo cụ thể cho từng đối tượng nghèo.
 
Bảo Khánh

.