Chồng chất thủ tục giao rừng

02:05, 25/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mục tiêu của giao rừng cho tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư là nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác nguồn lợi từ rừng. Tuy nhiên, vì hồ sơ thủ tục giao rừng quá nhiều, nên thời gian thực hiện kéo dài, chi phí tốn kém...

TIN LIÊN QUAN


Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi, tổng diện tích rừng hiện đã giao là 117.120/121.212ha, đạt 96% kế hoạch. Trong đó, 21.313ha rừng giao cho các hộ gia đình, cá nhân; 89.159ha rừng giao cho các BQL rừng phòng hộ; 6.648ha rừng giao cho các công ty lâm nghiệp. Số diện tích rừng còn lại, gần 4.100ha chính quyền các địa phương và ngành chức năng sẽ tiếp tục rà soát để giao cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ sau khi hoàn thành việc chuyển đổi một số diện tích rừng.

Nhiều “kênh” giải quyết thủ tục

“Phải mất hơn một năm mới hoàn thành phương án giao rừng và bàn giao rừng tại thực địa. Nguyên nhân là vì hồ sơ, thủ tục giao rừng quá nhiều; lại liên quan đến trách nhiệm của nhiều sở, ngành nên thời gian thẩm định kéo dài”, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Đại cho biết.

Phần lớn thời gian thực hiện ngoài thực địa nên việc giao rừng tốn nhiều thời gian và chi phí.
Phần lớn thời gian thực hiện ngoài thực địa nên việc giao rừng tốn nhiều thời gian và chi phí.


Muốn giao rừng, UBND các huyện tiến hành lập phương án giao rừng và phải được HĐND huyện thông qua, Sở NN&PTNT thẩm định, Sở TN&MT cho ý kiến về thủ tục giao đất và kinh phí thực hiện. Sau đó, Sở NN&PTNT tổng hợp, báo cáo và trình UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt phương án. Trên cơ sở quyết định của UBND tỉnh, UBND các huyện lại thực hiện hàng loạt “bộ” thủ tục trước khi giao rừng tại thực địa cho cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư.

Khó khăn trong quá trình giao rừng là phải tiến hành đo đạc, xác định vị trí, ranh giới, hiện trạng, trữ lượng rừng gắn với việc giao đất. Đây là bước tốn nhiều thời gian và chi phí nhất. Vì nếu hồ sơ rừng không phù hợp, Sở TN&MT không thể thẩm định, xây dựng bản đồ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với rừng. “Bởi muốn giao rừng, phải giao đất trước”, ông Đại cho biết.

Đơn cử như huyện Trà Bồng, từ đầu năm 2016, UBND huyện xây dựng phương án giao 3.500ha rừng tại 8 xã. Dù đã được các sở, ngành tích cực thẩm định, góp ý kiến và giải quyết nhiều vướng mắc, nhưng phải đến tháng 5.2017, phương án mới hoàn chỉnh và được UBND tỉnh phê duyệt. Địa phương này phấn đấu đến cuối tháng 6.2017 sẽ hoàn thành việc giao rừng tại thực địa cho các cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư để quản lý và bảo vệ. Như vậy, để được giao 3.500ha rừng, huyện Trà Bồng mất hơn một năm mới hoàn thành các thủ tục.

Cần sự kết hợp của các sở, ngành

Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm, nếu các bộ thủ tục giao rừngthực hiện đúng quy trình, tức là mỗi sở, ngành tiến hành các bước thẩm định riêng lẻ thì thời gian hoàn thành sẽ rất lâu. Do đó, khi UBND các huyện gửi phương án giao rừng, Chi cục Kiểm lâm sẽ rà soát và phân loại các nội dung cần giải quyết để tham mưu Sở NN&PTNT ban hành văn bản gửi các đơn vị liên quan. “Bên cạnh những vấn đề cần sự thẩm định riêng lẻ của các sở, ngành thì nhiều nội dung cần sự vào cuộc chung của các đơn vị để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục giao rừng”, ông Đại lý giải.

Theo kế hoạch, toàn tỉnh sẽ hoàn thành việc giao rừng vào năm 2018.  Tuy nhiên, thực hiện việc rà soát, chuyển đổi một số diện tích rừng hiện chỉ đang trong giai đoạn lập hồ sơ điều chỉnh, chứ chưa tiến hành các bước ngoài thực địa. Trong khi đó, việc đo đạc, xác định vị trí, ranh giới, hiện trạng, trữ lượng rừng lại tốn rất nhiều thời gian và kinh phí. Vì vậy, “nếu không có sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành thì kế hoạch giao rừng khó hoàn thành đúng thời gian và tiến độ”, ông Nguyễn Đại cho biết.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.