Cây đước chết hàng loạt

10:05, 11/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ tháng 1 đến nay, tại xã Bình Thuận (Bình Sơn), diện tích cây đước bị chết không rõ nguyên nhân ngày càng nhiều, với khoảng 70% và con số này ngày một tăng lên.

Từ năm 2014 - 2015, có hơn 60ha cây đước và cây cóc trắng được  trồng mới và phục hồi, nâng tổng diện tích rừng ngập mặn tại xã Bình Thuận (Bình Sơn) lên gần 100ha. Từ năm 2016 trở về trước, cây đước cùng với cây cóc trắng vẫn phát triển bình thường. Tuy nhiên, từ tháng 1.2017 đến nay, có rất nhiều diện tích cây đước chết không rõ nguyên nhân.
 
 
Rừng đước ở xã Bình Thuận mới trồng hai năm nay bỗng chết hàng loạt.
Rừng đước ở xã Bình Thuận mới trồng hai năm nay bỗng chết hàng loạt.
 
Chị Nguyễn Thị Thùy Dung - Cán bộ kỹ thuật của Ban Quản lý dự án ứng phó biến đổi khí hậu, cho biết: "Khi dự án trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển được triển khai tại xã Bình Thuận, chúng tôi thường xuyên theo sát kiểm tra. Vì cây đước là cây sinh trưởng tự nhiên, khi bị bệnh chết rất khó kiểm soát, nên diện tích cây đước bị chết ngày một tăng".
"Sở TN&MT khẩn trương lựa chọn đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm để kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân cây đước thuộc dự án trồng rừng ngập mặn ven biển xã Bình Thuận bị chết hàng loạt. Trên cơ sở đó chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT nghiên cứu, có ý kiếm tham mưu, đề xuất cụ thể biện pháp xử lý và hướng khắc phục đối với diện tích cây đước bị chết; thực hiện hoàn thành trước ngày 15.6.2017".
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh  ĐẶNG VĂN MINH chỉ đạo.
 
Sáng ngày 9.5, Sở TN&MT đã mời chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ rừng - Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam đi thực địa ở vùng trồng đước của xã Bình Thuận. Sau khi kiểm tra thực địa, đoàn nhận định trong những thân cây đước bị chết đều có sự xuất hiện của một loại sinh vật hình bầu dục có chiều dài chưa tới nửa centimét.
 
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Thu - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ rừng thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, cho biết: Những sinh vật nhỏ bé đó sống trên thân cây đước. Do chúng đục khoét, hút dưỡng chất của cây, khiến cây chết dần chết mòn.

Tại vùng ven biển trồng đước của xã Bình Thuận, sinh vật này không những sống ở thân cây đước mà chúng còn trú ngụ, đục khoét ở những khúc gỗ, khúc tre trôi nổi ở môi trường nước. "Tôi đi rất nhiều cánh rừng ngập mặn như Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh) cũng chưa từng thấy sinh vật này. Loại sinh vật này cũng trú ngụ trong những thân cây đước lâu năm, nhưng nhờ những cây đước lâu năm to lớn, nên không bị chết. Sau đó, chúng theo con nước thủy triều lên xuống rồi bám vào những cây đước mới trồng. Vì  chỉ mới trồng hai năm gần đây, thân cây còn nhỏ, nên chúng dễ dàng hút sạch dưỡng chất của cây.
 
Đây là vùng biển, nếu không có biện pháp khắc phục phù hợp, dễ ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Chúng tôi sẽ đem loại sinh vật này về nghiên cứu, tìm hiểu rõ đặc tính sinh học, môi trường sống của chúng rồi mới có biện pháp xử lý phù hợp", Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Thu cho biết thêm.
 
Loại sinh vật đục khoét thân cây đước, khiến cây đước chết dần, chết mòn.
Loại sinh vật đục khoét thân cây đước, khiến cây đước chết dần, chết mòn.


Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG

 


.