Quảng Ngãi trước vận hội mới

05:04, 30/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 42 năm kể từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, hôm nay Quảng Ngãi đã có những bước phát triển vượt bậc và trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trước vận hội mới, hòa cùng xu thế phát triển chung của đất nước, Đảng bộ tỉnh đã xác định mục tiêu phát triển công nghiệp là nhiệm vụ đột phá, để sớm đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Công nghiệp bứt phá

Nói đến phát triển công nghiệp Quảng Ngãi, “địa chỉ đỏ” được mọi người nhắc đến trước tiên chính là KKT Dung Quất, với “trái tim” là nhà máy lọc dầu. Đây là công trình trọng điểm của quốc gia, là biểu tượng của ngành công nghiệp Việt Nam. Trong giai đoạn 2011- 2015, NMLD Dung Quất đã sản xuất và tiêu thụ trên 30 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại, doanh thu trên 616 nghìn tỷ đồng.

NMLD Dung Quất – công trình trọng điểm của quốc gia, là niềm tự hào của người dân Quảng Ngãi.
NMLD Dung Quất – công trình trọng điểm của quốc gia, là niềm tự hào của người dân Quảng Ngãi.


Riêng năm 2016, sản lượng sản xuất, tiêu thụ của NMLD Dung Quất trên 6,8 triệu tấn (vượt trên 116% kế hoạch). Doanh thu đạt 72.516 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 11.986 tỷ đồng, về đích sản xuất sớm hơn so với kế hoạch 52 ngày. Thành tích đó giúp Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý vận hành NMLD Dung Quất được xếp hạng thứ 6 trong bảng xếp hạng VNR500- Top 500 doanh nghiệp lớn Việt Nam năm 2016. Và trong quý I/2017, NMLD Dung Quất tiếp tục hoạt động ổn định, liên tục với công suất tối ưu 105%, đạt tổng doanh thu khoảng 21 nghìn tỷ, nộp ngân sách hơn 2.700 tỷ đồng.

Bên cạnh phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu, Quảng Ngãi đã và đang phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp cơ khí, chế biến, năng lượng (điện)... Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt gần 109 nghìn tỷ đồng (tăng 2%), trong đó công nghiệp lọc hóa dầu trên 88.900 tỷ đồng, công nghiệp ngoài dầu trên 20 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5%. Riêng trong quý I/2017 , giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 27.530 tỷ đồng, tăng 2% (nếu không tính sản phẩm lọc hóa dầu tăng 10,8%). Hầu hết các sản phẩm công nghiệp đều tăng, trong đó một số sản phẩm tăng khá so với cùng kỳ, như quần áo may sẵn, gạch xây, bánh kẹo, dăm gỗ, điện sản xuất...
 

Giai đoạn 2016 – 2020, Quảng Ngãi tập trung ưu tiên kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực: Công nghiệp lọc hóa dầu, hóa chất, năng lượng (điện, khí); công nghiệp luyện kim, công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp nặng; đầu tư kinh doanh cảng biển và dịch vụ hàng hải; logistics; hạ tầng đô thị, hạ tầng các KCN; dịch vụ, du lịch; chế biến nông lâm thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao; chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng; công nghiệp “xanh” thân thiện với môi trường...

Điểm đến của các nhà đầu tư

Với hệ thống giao thông thông suốt, cảng biển thuận lợi, Quảng Ngãi đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, KKT Dung Quất, với tổng diện tích trên 45.000ha, là niềm tự hào của tỉnh, khi nơi đây được xem như một trong những KKT tiên phong và thành công nhất trong cả nước. KKT Dung Quất là một trong 8 nhóm KKT ven biển được Thủ tướng Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và có những chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam hiện nay.

Tại đây, bên cạnh NMLD Dung Quất đang được đầu tư mở rộng, nâng công suất từ 6,5 triệu tấn/năm lên 8,5 triệu tấn/năm (tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD) để đưa Dung Quất trở thành trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu của Việt Nam, còn có cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu trọng tải 100 nghìn tấn, là nơi lý tưởng để phục vụ phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp nặng và dịch vụ. Quảng Ngãi đang tiếp tục phát huy tối đa lợi thế này để quy hoạch phát triển cảng Dung Quất, nhằm tạo sức lan tỏa, hấp dẫn các nhà đầu tư; đồng thời biến Dung Quất trở thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực.

Tại KKT Dung Quất còn có dự án có vốn FDI lớn nhất ở Quảng Ngãi (trên 300 triệu USD) là Doosan Vina, thuộc Tập đoàn công nghiệp nặng Doosan Hàn Quốc. Đi vào hoạt động từ tháng 5.2009, đến nay các sản phẩm của Doosan Vina đã xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới. Theo ông Kim Yong Soo – Phó Tổng Giám đốc Doosan Vina, kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động, Doosan Vina luôn được tỉnh hỗ trợ rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực như: Xuất nhập khẩu, visa, đảm bảo nguồn nhân lực...

Công nghiệp nặng là thế mạnh và ưu tiên thu hút đầu tư của Quảng Ngãi trong giai đoạn 2016 – 2020. Trong ảnh: Sản phẩm công nghiệp nặng của Doosan Vina xuất khẩu ra nước ngoài.
Công nghiệp nặng là thế mạnh và ưu tiên thu hút đầu tư của Quảng Ngãi trong giai đoạn 2016 – 2020. Trong ảnh: Sản phẩm công nghiệp nặng của Doosan Vina xuất khẩu ra nước ngoài.


Ngoài KKT Dung Quất, Quảng Ngãi còn có 4 KCN tập trung và 15 cụm công nghiệp – làng nghề được đầu tư kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu cho các nhà đầu tư, để đầu tư sản xuất kinh doanh. Trong đó, KCN Quảng Phú với tổng diện tích quy hoạch 92ha, đang có những nhà máy và thương hiệu nổi tiếng hiện hữu, như sữa đậu nành VinaSoy, bánh kẹo Biscafun, nước khoáng Thạch Bích, bia Dung Quất, bia Sài Gòn... Còn tại KCN Tịnh Phong (diện tích quy hoạch 140ha), đang mời gọi các dự án đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ xuất khẩu, cơ khí, điện tử, giày da, dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ. Riêng KCN Phổ Phong (diện tích 157ha), đang sẵn sàng chào đón các dự án đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, công nghiệp nhẹ như chế biến nông lâm thủy sản và các ngành công nghiệp phụ trợ.

Đặc biệt, Khu Công nghiệp- Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, một dự án trọng điểm trong hợp tác đầu tư giữa Quảng Ngãi với Singapore, có diện tích quy hoạch 1.226ha và khu đô thị với diện tích 99ha; tổng vốn đầu tư khoảng 1.126 tỷ đồng.  Hiện nay, tại KCN VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được 14 nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Philippines, Trung Quốc, với tổng vốn đăng ký khoảng 200 triệu USD. Hiện tại KCN này đã giải quyết việc làm cho gần 3.400 lao động và ước tính sau khi tất cả 14 dự án đi vào hoạt động hết công suất, sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động.

Để đưa Quảng Ngãi sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh, năm 2016 UBND tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh với những ưu đãi cao nhất: Giá cho thuê đất 0,5%; hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu và khu tái định cư của dự án; hỗ trợ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; ưu tiên quỹ đất sạch để nhà đầu tư thực hiện dự án; hỗ trợ 30% chi phí xây dựng; hỗ trợ đào tạo lao động với mức 2 triệu đồng/lao động/khóa đào tạo 3 tháng đến dưới 6 tháng. Ngoài ra, còn có các ưu đãi hỗ trợ cho các dự án khuyến khích xã hội hóa như ưu đãi về đất, ưu đãi cho thuê cơ sở vật chất, ưu đãi chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng từ 50% đến 90%; hỗ trợ đầu tư các dự án vào nông nghiệp, nông thôn...

Bài, ảnh: PHẠM DANH


 


.