Mua bảo hiểm tàu cá: Ngư dân đợi... chính sách

02:04, 04/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bảo hiểm tàu cá được ví như “phao cứu sinh” là cứu cánh của ngư dân khi xảy ra rủi ro, thiệt hại, nhưng hiện nay, một số ngư dân vẫn chưa mua bảo hiểm, hoặc mua cầm chừng, nhằm đợi chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

TIN LIÊN QUAN

Theo Quyết định 48 của Chính phủ, tàu cá có công suất từ 400CV trở lên sẽ được hỗ trợ 50% chi phí khi chủ tàu mua bảo hiểm thân tàu (BHTT), bảo hiểm ngư lưới cụ và bảo hiểm rủi ro đặc biệt. Riêng Nghị định 67 (nay là Nghị định 89), mức hỗ trợ là 90% cho tàu có công suất từ 400CV trở lên, 70% cho tàu từ 90CV đến dưới 400CV. Dù Chính phủ đã thống nhất gia hạn thời gian thực hiện Nghị định 89 đến hết năm 2017, nhưng đến thời điểm này, ngư dân vẫn chưa được hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm, khiến họ gặp nhiều khó khăn.

Chật vật mua bảo hiểm

Ngư dân Nguyễn Tấn Cư, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết, từ khi có Nghị định 89 hỗ trợ chi phí mua BHTT, nên gia đình đỡ phần vất vả. Con tàu vừa đóng mới có công suất 442CV, phí BHTT thấp nhất cũng ở mức 60 triệu đồng. Vì vậy, khi Nghị định 89 tạm dừng, ông Cư rơi vào cảnh chật vật mỗi khi... bảo hiểm hết hạn!

“Ngư dân làm ăn nay được, mai mất. Nhiều lúc thiếu 20-30 triệu tiền phí tổn, tôi cũng phải vay nóng, nói gì đến việc bỏ ra 60 triệu đồng để mua bảo hiểm”, ông Cư cho hay. Nhưng không mua BHTT, ông Cư lại bất an mỗi khi vươn khơi. Do đó, thay vì mua bảo hiểm một năm, ông Cư mua ngắn hạn 3 tháng!

 Nhiều ngư dân chật vật lo phí tổn cho phiên biển, nên mua bảo hiểm thân tàu cầm chừng, nhằm đợi chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Nhiều ngư dân chật vật lo phí tổn cho phiên biển, nên mua bảo hiểm thân tàu cầm chừng, nhằm đợi chính sách hỗ trợ của nhà nước.


Trong khi đó, ngư dân P.T.T, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cũng chật vật lo phí bảo hiểm cho 3 chiếc tàu. Tổng công suất 3 chiếc tàu gần 1.000CV, nên phí bảo hiểm cũng xấp xỉ 150 triệu đồng. Khi Nghị định 89 còn hiệu lực, ông T chỉ phải chịu phí 15 triệu đồng, số còn lại được Nhà nước hỗ trợ. “Hiện nay, ba chiếc tàu sắp hết hạn bảo hiểm, nên tôi đang cân nhắc mua BHTT trong vòng 3 tháng để đợi Nghị định 89 tiếp tục triển khai”, ông T cho biết. Không chỉ ông Cư, ông T mà nhiều chủ tàu công suất lớn của tỉnh cũng thực hiện phương án mua BHTT ngắn hạn để đợi... chính sách!
 

“Trong trường hợp, nếu các chính sách Nhà nước tạm dừng, chủ tàu cần có trách nhiệm mua BHTT để bảo vệ tài sản của mình. Không thể cứ mãi trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước”.
Chi cục phó Chi cục Thủy sản NGÔ VĂN HƯNG

Hết 89, còn 48

Theo các đơn vị bảo hiểm trong tỉnh, mức hỗ trợ theo Nghị định 89 khá cao, nên ngư dân rất tích cực tham gia BHTT. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 89 tạm dừng hỗ trợ, nhiều ngư dân lại mua bảo hiểm ngắn hạn 3 tháng, thay vì một năm như trước. Thậm chí, có người bảo hiểm đã hết hạn, nhưng vẫn chưa mua mới.

“Ngư dân làm thế là để... đợi Nghị định 89 tiếp tục thực thi cơ chế hỗ trợ mua bảo hiểm tàu cá. Sự cầm chừng này sẽ khiến ngư dân bất an khi vươn khơi, ảnh hưởng đến hiệu quả đánh bắt”, đại diện lãnh đạo Công ty Bảo Minh Quảng Ngãi cho biết.

Về phía ngư dân, họ cho rằng mua bảo hiểm tàu cá tạm thời 3 tháng cũng là việc “chẳng đặng đành”. Với chiếc tàu có công suất trên 400CV, phí BHTT cũng ở mức từ 50 - 100 triệu đồng (phí bảo hiểm phụ thuộc vào giá trị con tàu). Trong khi đó, chi phí sản xuất tăng liên tục, việc khai thác hải sản gặp nhiều khó khăn, nên việc lo phí tổn cho mỗi phiên biển cũng đã khiến ngư dân chật vật. Vì vậy, khi biết tin Nghị định 89 được Chính phủ quyết định triển khai thêm trong năm 2017, nhiều ngư dân vừa làm, vừa đợi Nhà nước hỗ trợ đến đâu, hay đến đó!

Chi cục phó Chi cục Thủy sản Ngô Văn Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục triển khai chính sách ưu đãi vốn vay theo Nghị định 89, giúp ngư dân tiếp tục đóng mới tàu cá để vươn khơi xa trong năm 2017. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm tàu cá lại chưa được thông qua.

Vì vậy, thay vì đợi Nghị định 89, ngư dân có thể đăng ký tham gia bảo hiểm theo Quyết định 48 để không phải rơi vào cảnh trắng tay, nếu gặp rủi ro trong quá trình khai thác hải sản. Bởi, theo Quyết định 48 về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa cũng hỗ trợ ngư dân 50% chi phí mua BHTT.


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.