Hội nghị đầu bờ sản xuất lúa hữu cơ

03:04, 27/04/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 27.4, Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín đã tổ chức hội nghị đầu bờ về kết quả thực hiện Dự án hỗ trợ ứng dụng kỹ thuật sản xuất lúa gạo hữu cơ chất lượng cao vụ đông xuân 2016 - 2017 tại xã Hành Nhân và Hành Dũng (Nghĩa Hành).

TIN LIÊN QUAN

Đây là đề tài khoa học cấp tỉnh, với nguồn kinh phí hơn 7,9 tỷ đồng do Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín chủ trì phối hợp với Trung tâm Khảo kiểm nghiệp Giống, sản phẩm cây trồng Miền Trung thực hiện, trong thời gian 30 tháng, từ tháng 10.2016 đến tháng 3.2019.
 
Quy mô Dự án trên 120ha/4 vụ, riêng vụ đông xuân 2016 - 2017 thực hiện 30ha, trong đó xã Hành Nhân 10ha và xã Hành Dũng 20ha, với trên 390 thửa ruộng, 262 hộ nông dân tham gia. 
 
Theo đó, nông dân tham gia Dự án được hỗ trợ 100% giống, cơ cấu giống lúa LĐ1 (lúa đen) và BM125, hỗ trợ 50% vật tư nông nghiệp, doanh nghiệp bảo hiểm năng suất LĐ1 là 40 tạ/ha và BM125 là 60 tạ/ha.
 
Doanh nghiệp cũng cam kết bao tiêu 100% sản phẩm đầu ra theo nguyên tắc 1kg lúa tươi = 1kg lúa khô với giá theo thị trường, riêng lúa LD91 là 1,5 lần. Ngoài ra, doanh nghiệp còn hỗ trợ tiền băm đất, công thu hoạch; đầu tư và thu hồi cuối vụ 50% vật tư.

 

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ của Công ty Nông Tín.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ của Công ty Nông Tín.
 
Theo kết quả thu được, năng suất của mô hình đạt 45 tạ/ha đối với lúa LĐ1 và 65 tạ/ha đối với lúa BM125. So với trồng lúa truyền thống, mỗi sào lúa trồng theo mô hình cho thu nhập cao hơn 20 - 25%.
 
Bên cạnh hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và môi trường được các hộ dân tham gia mô hình đánh giá cao. Mô hình được thực hiện trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngay chính trên đất lúa để nâng cao giá trị thu nhập do bón phân hợp lý và phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp hữu cơ.
 
Do vậy, độ phì của đất được duy trì ổn định và không bị thoái hóa, hạn  chế tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiếu phát thải khí nhà kính… sẽ có tác động tích cực đến chất lượng nông sản, chất lượng môi trường đất, môi trường nước và môi trường không khí.
 
Bà La Thị Liên, một nông dân tham gia mô hình cho biết, gia đình chị làm mô hình với diện tích 1,3 sào thu được 4 tạ, nông dân cũng an tâm vì doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra.
 
So với cách làm truyền thống của người dân, thì mô hình này rất lợi, tiết kiệm được giống, phân bón và hạn chế được thuốc bảo vệ thực vật, hơn nữa thuốc bảo vệ thực vật sử dụng là thuốc sinh học thay vì hóa hoạc, không độc hại cho con người và gia súc nên bà con không lo trâu, bò ăn phải cỏ ngấm thuốc. Mô hình đã cung cấp kiến thức về sản xuất lúa sạch để bà con áp dụng vào vào sản xuất lúa của gia đình.
 
 
Tin, ảnh: A.KIỀU
 
 

.