Gian nan nghề câu mực khơi

08:04, 08/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giữa biển cả mênh mông, những chiếc thúng được thả xuống biển. Mỗi thúng là một ngư dân tròng trành cùng sóng nước, câu mực xuyên màn đêm. Cứ lênh đênh như thế suốt ba tháng trời mới trở về đất liền, nên những rủi ro về sức khỏe do những ngày tháng lao lực trên biển cứ bám lấy cuộc đời của những ngư dân làm nghề câu mực khơi ở xã Bình Chánh (Bình Sơn).

“Làm nghề này thấy mình nhỏ bé lắm. Thúng thả xuống biển, cứ thế người và thúng tròng trành theo sóng mà câu xuyên đêm, nên sợ đủ thứ, nào là sợ sóng gió, cá lớn làm lật thúng, sợ thúng bị sóng đẩy đi quá xa...”, ngư dân Nguyễn Đình Thường tâm sự. Theo những ngư dân ở Bình Chánh, với nghề câu mực khơi, thường thì thuyền nhỏ chứa khoảng 30 bạn câu, thuyền lớn thì 40 – 45 người. Ra đến khơi xa, cứ chiều đến là mỗi người một thúng, lênh đênh mấy chục hải lý với đồ câu, mồi câu rồi đến rạng sáng sớm hôm sau tàu mới bắt đầu chạy quanh một lượt vớt các thúng lên.

Từ một ngư dân câu mực lão luyện, giờ ngay cả đi lại, ông Nguyễn Văn Ánh, ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của con trai.
Từ một ngư dân câu mực lão luyện, giờ ngay cả đi lại, ông Nguyễn Văn Ánh, ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của con trai.


Trở về tàu, sau khi nghỉ ngơi, ngư dân lại bắt đầu xẻ mực đem phơi, rồi túc trực để canh trở mực, nên thời gian ngủ nghỉ trong ngày chỉ vỏn vẹn 4 - 5 giờ. “Đi biển dài ngày, thức đêm liên tục, rồi đến bữa cơm cũng không đầy đủ rau xanh, nước uống như đất liền, nên đã có rất nhiều trường hợp anh em đi biển vào là kiệt sức. Hiện có đến gần 20 ngư dân Bình Chánh giờ chỉ có thể nằm nhà, có người còn không đi lại được... vì bị tai biến, đột quỵ... khi hành nghề câu mực khơi”,  ông  Huỳnh Trọng Thân - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Chánh cho biết.
 

“Lời hứa theo ba nằm lại với biển”

“Ba thương em đi học đường xa, nên trước khi ra khơi, ba nói với em là “Ba ráng nốt chuyến này nữa là đủ tiền mua xe đạp điện để con đi học cho đỡ nhọc”. Vậy nên dù đi theo thuyền làm nghề lưới vây, nhưng ba vẫn mang theo thúng để câu mực kiếm thêm. Thế rồi ba đi mãi, không về…”, em Ngô Ly Na, con gái của ngư dân Ngô Minh Vương kể.

Từng là trụ cột của gia đình và là ngư dân "lão làng" của làng câu mực khơi, ấy thế mà chỉ qua một trận tai biến ngoài biển, ông Nguyễn Văn Ánh (52 tuổi), ở thôn Mỹ Tân, trở thành người tàn tật, khi tứ chi co quắp, mọi sinh hoạt cá nhân đều không thể tự lo. Tháng 8 tới là tròn 7 năm kể từ ngày ngư dân Nguyễn Văn Ánh bị tai biến trên biển, cũng là ngần ấy thời gian, bà Võ Thị Thanh phải bỏ dở công việc buôn bán, để ở nhà chăm sóc chồng. Kinh tế gia đình vì thế càng thêm kiệt quệ.

Tròng trành trên chiếc thúng chai bé nhỏ giữa đại dương mênh mông, những người làm nghề câu khơi không chỉ phải đánh đổi sức khỏe, mà còn mạo hiểm với cả tính mạng mình. Mới năm ngoái, khi đang câu mực trên biển, thì chiếc thúng của hai ngư dân Lê Rì (1970) và Ngô Minh Vương (1977), ở thôn Mỹ Tân, không may bị sóng đánh úp, khiến cả hai đều tử vong.

“Hai anh vừa xuống thúng câu mực tầm mười lăm phút, thì chúng tôi phát hiện đèn trên thúng tắt ngóm. Nghi có sự chẳng lành, các anh em trên tàu bơi ra tìm thì chỉ thấy chiếc thúng bơ vơ ngoài đó, chứ không thấy người đâu. Rồi chúng tôi tìm mãi suốt mấy ngày sau đó, nhưng cũng chỉ vớt được thi thể của anh Rì, chứ anh Vương thì mãi nằm lại với biển”, thuyền trưởng Ngô Văn Mẫu xót xa kể.

Mắt đỏ hoe khi nhắc về người chồng xấu số, bà Nguyễn Thị Thanh, vợ ngư dân Lê Rì bần thần: “Ổng đi biển từ hồi 15-16 tuổi miết tới giờ. Số ngày ổng được ở nhà trong một năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bao lần tôi khuyên ổng nghỉ ngơi chứ tuổi cao rồi, sao kham nổi sóng gió. Nhưng ổng cứ lắc đầu bảo, ráng làm để nuôi con...”

Bài, ảnh: Ý THU
 


.