Vốn ưu đãi theo Nghị định 75: Cơ hội cho các huyện nghèo phát triển kinh tế

07:03, 29/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo Nghị định 75 của Chính phủ, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trồng rừng, chăn nuôi được vay tại Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NN&PTNT với lãi suất ưu đãi. Đây là một chính sách mới, giúp hộ nghèo và đồng bào phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nhiều ưu đãi

Nghị định (NĐ) 75 quy định, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), hộ dân tộc Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi, có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) hoặc Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) để trồng rừng, chăn nuôi với lãi suất 1,2%/năm. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ phần lãi suất tiền vay còn lại.

Hộ nghèo, dân tộc thiểu số sẽ được vay với hạn mức tối đa 50 triệu đồng để phát triển chăn nuôi.
Hộ nghèo, dân tộc thiểu số sẽ được vay với hạn mức tối đa 50 triệu đồng để phát triển chăn nuôi.


Đối với hộ gia đình vay vốn để trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, NĐ 75 quy định, căn cứ vào thiết kế, dự toán trồng rừng, hộ gia đình được vay không có tài sản đảm bảo đối với phần giá trị đầu tư còn lại tại Ngân hàng CSXH hoặc Agribank với hạn mức tối đa là 15 triệu đồng/ha. Thời hạn cho vay tính từ khi trồng đến khi khai thác chính theo chu kỳ kinh doanh của từng loại cây trồng, nhưng không quá 20 năm. Mức vay và thời gian cụ thể do ngân hàng và khách hàng tự thỏa thuận, phù hợp với quy định tại NĐ 75, thời hạn trả gốc và lãi một lần khi khai thác chính.

Về cho vay vốn phát triển chăn nuôi, hộ gia đình đầu tư nuôi trâu, bò và gia súc khác được Ngân hàng CSXH hoặc Agribank cho vay không có tài sản đảm bảo với hạn mức tối đa 50 triệu đồng, trong vòng 10 năm.

Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh  Trần Duy Cường, cho biết: “Sau khi tổng hợp hết nhu cầu vay vốn của người dân ở các địa phương nằm trong quy định thụ hưởng của NĐ 75, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ gửi số lượng ra trung ương để xin vốn. Khi có nguồn vốn chuyển về, Ngân hàng sẽ nhanh chóng giải ngân cho người dân”.

Tạo đà cho miền núi phát triển

Sở hữu 2ha quế và 10ha keo, nên để có vốn mua cây giống, ông Hồ Văn Luận ở thôn Cả, xã Trà Hiệp (Trà Bồng) thường tìm đến Ngân hàng CSXH để vay vốn. Từ số tiền vay ít ỏi chỉ 5-10 triệu đồng, ông Luận đã nâng số tiền vay lên 50 – 60 triệu đồng. Với lãi suất 6,5%/năm, tuy là thấp so với vay ở các ngân hàng thương mại, nhưng đối với người dân miền núi thì như thế cũng đã cao.

Vì vậy, khi nghe có chương trình vay vốn theo NĐ 75 của Chính phủ với lãi suất chỉ có 1,2%/năm, ông Luận đã nhanh chóng ghi tên vào bảng đề xuất nhu cầu. “Mình trồng nhiều rừng, nên rất cần vốn để đầu tư. Nếu Nhà nước cho vay với lãi suất thấp, tôi sẽ vay thêm để mở rộng diện tích quế và trồng thêm keo”, ông Luận cho hay.

Cùng chung suy nghĩ với ông Luận, chị Hồ Thị Hạnh, thôn Cưa, xã Trà Hiệp chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo, nên được vay vốn lãi suất thấp. Tuy nhiên, bây giờ đã thoát nghèo, nên tôi vay Ngân hàng CSXH 30 triệu đồng theo chương trình hộ mới thoát nghèo. Thế nhưng, vay theo chương trình này thì lãi suất cao, nên mỗi tháng cũng mất hơn 200 nghìn đồng tiền lãi. Vì vậy, nếu như vay được gói ưu đãi theo NĐ 75 thì mình sẽ bán keo trả dứt nợ cũ để vay lại”.

Phó Chủ tịch UBND xã Trà Hiệp Nguyễn Hồng Trà, cho biết: “Theo hướng dẫn của UBND huyện, địa phương đã nhanh chóng họp dân, lấy ý kiến và gửi danh sách lên huyện. Toàn xã Trà Hiệp có 455 hộ, trong đó có 95% hộ trồng rừng với tổng diện tích rừng sản xuất trên 3.000ha. Cũng nhờ rừng mà người dân mới thoát nghèo. Mong rằng, với chính sách mới này, người dân vùng cao sẽ sớm tiếp cận nguồn vốn “siêu ưu đãi” để phát triển sản xuất, tăng thu nhập”.

Hiện 6 huyện nghèo ở miền núi Quảng Ngãi có thế mạnh là kinh tế nông – lâm nghiệp. Trong đó, kinh tế rừng luôn được các địa phương chú trọng phát triển, tạo sinh kế thoát nghèo cho người dân. Do đó, nếu vay với lãi suất thấp theo NĐ 75 thì các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có cơ hội phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả, chính quyền địa phương phải nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác tuyên truyền cũng như chọn hộ. Tránh trường hợp hộ có nhu cầu thì không được vay, còn người không có nhu cầu và không đủ tiêu chuẩn vay thì lại có tên trong danh sách được vay.


Bài, ảnh: HỒNG HOA



 


.