Những mô hình hỗ trợ giảm nghèo 'chết yểu' ở Sơn Tây

10:03, 27/03/2017
.

 


(Baoquangngi.vn)- Những năm qua nhiều chương trình, dự án giảm nghèo đã được triển khai ở huyện miền núi Sơn Tây. Tuy nhiên, bên cạnh những mô hình phát  huy hiệu quả, thì cũng có không ít mô hình vừa mở ra đã "chết yểu", gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước. 

TIN LIÊN QUAN

Hỗ trợ nhiều, hiệu quả ít
 
Từ năm 2011 đến  nay, từ chương trình 30a, 135 và Dự án giảm nghèo Khu vực Tây Nguyên, xã Sơn Liên (Sơn Tây) được hỗ trợ nguồn vốn hơn 10 tỷ đồng nhằm giúp địa phương đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo sinh kế và thoát nghèo bền vững.
 
Chưa tính các nguồn vốn hỗ trợ của TƯ, tỉnh, huyện và các chương trình hỗ trợ khác, với số hộ khoảng trên 400 hộ và hơn 1.750 khẩu, thì nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình 30a, 135 và Dự án giảm nghèo Khu vực Tây Nguyên, nếu tính con số chia theo đầu người là tương đối lớn.
 
Song, điều đánh buồn là không ít những mô hình được thực hiện từ nguồn vốn các chương trình, dự án giảm nghèo lại không mang lại kết quả như sự kỳ vọng. Một số mô hình, dự án hỗ trợ sản xuất chưa phù hợp, không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí nguồn đầu tư của Nhà nước. 
 
Điển hình như sự không hiệu quả từ dự án sinh kế hỗ trợ bò sinh sản cho người người dân. Theo đó, năm 2015, từ Dự án giảm nghèo Khu vực Tây Nguyên, xã Sơn Liên được hỗ trợ 22 con bò giống Zebu F1 (20 con cái, 2 con đực), mỗi con bò có trọng lượng 160kg, cho người dân 2 thôn Nước Vương và Đăk Long với tổng số tiền 786 triệu đồng, nhằm cải tạo đàn bò của địa phương. 
 
Tuy nhiên, trái với sự kỳ vọng ban đầu, sau hơn 2 năm chăn nuôi, những con bò “ngoại” này chẳng những không phát triển mà nhiều con còn gầy yếu, ốm trơ xương, thậm chí 2 con bò trong số này đã chết. Đến lúc này, chính quyền địa phương mới nhận ra mình đã sai khi lựa chọn những con bò “ngoại” này để mang về địa phương. Vì đàn bò này không thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và tập quán chăn nuôi của người dân. Hiện địa phương đang tính đến phương án thanh lý số bò còn lại để hỗ trợ lại cho người dân giống bò của địa phương.
 
Ông Võ Thìn- Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây thừa nhận: Cái sai ở đây là người dân và chính quyền địa phương nghĩ giống bò địa phương nhỏ nên đề nghị đưa giống bò to về về để lai tạo và cải tạo đàn bò địa phương. Song, khác với giống bò địa phương, giống bò Zebu này đòi hỏi kỹ điều kiện chăn nuôi phải tốt hơn, phải có đủ nguồn thức ăn như cỏ, tinh bột…Vì không đủ nguồn thức ăn nên bò không sinh sản và không phát triển được.  
 
Đáng lý sau 2 năm nuôi, bò đã phát triển và có thể bắt đầu sinh sản, tuy nhiên, đến thời điểm này, chẳng những bò không phát triển mà còn gầy ốm
Đáng lý sau 2 năm nuôi, bò đã phát triển và có thể bắt đầu sinh sản, tuy nhiên, đến thời điểm này, chẳng những bò không phát triển mà còn gầy ốm.
 
Giống như dự án hỗ trợ bò ở Sơn Liên, dự án sinh kế chăn nuôi dê, cấp dê giống sinh sản cho người nghèo ở xã Sơn Mùa cũng đã “chết yểu”. Bởi, chỉ sau một thời gian ngắn nhận nuôi, nhiều con dê đã “lăn” ra chết.
 
Qua tìm hiểu được biết, với mục đích tạo sinh kế cho người dân, năm 2016, Dự án giảm nghèo Khu vực Tây Nguyên cấp 40 con dê Bách Thảo cho 20 hộ dân ở thôn thôn Huy Ra Lung 1 và Huy Ra Lung 2 với tiền 190 triệu đồng. Được nhận dê về nuôi, người rất vui mừng. Ai cũng hy vọng những con dê này sẽ sinh trưởng tốt, lai tạo giống dê địa phương nhân lên nhiều đàn. 
 
Vậy nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày ngang, chỉ chưa đầy một tháng sau khi nhận dê giống từ dự án, rất nhiều con đã xuất hiện các dấu hiệu bỏ ăn rồi lăn ra chết cứ thế dê bệnh và chết dần, chết mòn. Hiện tại, từ 40 con dê giống cấp ban đầu, giờ chỉ còn 3 con.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Mùa Vũ Xuân Bé cho biết:  Đàn dê khi mới cấp về địa phương thì rất đẹp, nhưng thời gian chăn nuôi khoảng 1  tháng thì địa phương kiểm tra, theo dõi thì đàn dê có triệu chứng biếng ăn, bị bệnh và chết. Dù chính quyền địa phương xã đã phối hợp với cán bộ thú ý tích cực theo dõi, nhưng vẫn không cứu được.
 
Cùng với dự án hỗ trợ bò Zebu, dê Bách Thảo, thì các chương trình hỗ trợ gia cầm cho người dân từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, Dự án giảm nghèo Khu vực miền Tây Nguyên ở Sơn Tây cũng không mang lại kết quả như mong muốn. Số lượng gia cầm được cấp còn lại rất ít so với số lượng con giống ban đầu. 
 
Chỉ tính riêng địa bàn 2 xã Sơn Mùa và Sơn Liên, năm 2016, Dự án giảm nghèo Khu vực Tây Nguyên hỗ trợ cho địa bàn 2 xã tổng cộng 2.000 con vịt xiêm, thế nhưng đến nay, số vịt này cho còn khoảng hơn 500 con. Nguyên nhân của tình trạng này, là do vịt giống cấp về bị chết, số còn lại người dân ăn thịt, dẫn đến việc hỗ trợ không hiệu quả. 
 
Cần lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp
 
Trong những năm qua, có thể nói từ các chương trình, dự án giảm nghèo… cơ sở hạ tầng, đời sống người dân đã có sự cải thiện, nhận thức của người dân dần được nâng cao  nhưng để tạo được sức bật, để người dân thoát nghèo bền vững, cần có những mô hình iệu quả.
 
Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ các mô hình sinh kế với cây, con giống không có tính khả thi, không phù hợp điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác của người dân thời gian qua ở một số địa phương trên địa bàn huyện Sơn Tây đã chưa thật sự góp phần làm chuyển biến đời sống của người dân. 
 
Bên cạnh nguyên nhân người dân miền nhận thức còn hạn chế, tư tưởng còn trông chờ, ỷ lại, không chịu khó học hỏi để nâng cao trình độ thâm canh thì có một nguyên nhân rất quan trọng là lãnh đạo địa phương ở cơ sở chưa tập trung quan tâm, để có những định hướng cụ thể trong việc cấp cây, con giống phù  hợp; không tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thường xuyên, sau khi giao cây, con giống cho người dân không kiểm tra, giám sát hướng dẫn đễn đến nơi, đến chốn nhằm kịp thời hướng dẫn cho người dân cách nuôi, cách phòng bệnh hiệu quả... 
 
 
Lựa chọn các mô hình sinh kế phù hợp sẽ giúp người dân miền núi có điều kiện thoát nghèo
Lựa chọn các mô hình sinh kế phù hợp sẽ giúp người dân miền núi có điều kiện thoát nghèo
 
Trong chuyến đi kiểm tra thực tế việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên trên địa bàn xã Sơn Liên và Sơn Mùa huyện Sơn Tây vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cho rằng: Với cách làm của chính quyền địa phương như hiện nay, mà nếu không có sửa đổi, đổi mới, thì không thể mang lại hiệu quả. 
 
“Người dân có phát triển kinh tế, có thoát nghèo được hay không là dựa vào các chương trình, nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất và tạo sinh kế, đây là điều quan trọng nhất. Vì thế, lãnh đạo xã, huyện Sơn Tây cần phải rút kinh nghiệm xem cái nào tốt thì phát huy, cái nào chưa tốt thì chấn chỉnh; đồng thời, cần tính toán, nghiên cứu lựa chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp với Sơn Tây để thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo trong thời gian tới tốt hơn”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đề nghị. 
 
Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của cấp chính quyền thì người dân  cũng cần nêu cao ý thức, cộng đồng trách nhiệm, vượt khó, thi đua sản xuất, góp phần phát triển kinh tế gia đình, vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Có như vậy thì việc triển khai các chính sách hỗ trợ  mới thực sự hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống, giúp bà con thoát nghèo một cách bền vững. 
 
 
Bảo Ngọc

.