Người tiêu dùng: Thiệt thòi chưa biết kêu ai

09:03, 31/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) không thiếu, nhưng thực tế NTD vẫn than khi gặp những thiệt thòi trong mua sắm, tiêu dùng chẳng biết kêu ai.

TIN LIÊN QUAN

Trong khi Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) Quảng Ngãi thành lập và đi vào hoạt động từ 2009, nhưng ít ai biết được sự tồn tại của hội này.

Vai trò mờ nhạt

Kết quả trong suốt 8 năm qua, theo đánh giá của chính Hội này thì vẫn chủ yếu là "tuyên truyền, hướng dẫn tiêu dùng; giải quyết khiếu nại của NTD; tham gia vận động người dân hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

 Người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm hàng Việt tại điểm bán hàng Việt ở thị trấn Di Lăng (Sơn Hà).
Người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm hàng Việt tại điểm bán hàng Việt ở siêu thị co.op mart Quảng Ngãi


Phóng viên Báo Quảng Ngãi đã nhiều lần liên hệ với Chủ tịch Hội BVQLNTD Quảng Ngãi Nguyễn Vỹ Đại để trao đổi về hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD trong tỉnh, nhưng lần nào ông cũng "bận công tác". Người tiêu dùng cũng phản ánh, khi có thắc mắc, thiệt thòi trong mua sắm muốn gặp Hội để phản ánh, nhưng cũng không biết đến đâu, gặp ai.

Chị Đinh Thanh Linh, thôn Hàm Long, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) cho biết, chị mua nồi cơm điện ở hội chợ, khi về phát hiện không đúng như chất lượng quảng cáo, nhưng hội chợ đã kết thúc nên tìm người bán để đổi lại không được. "Tôi muốn liên hệ với Hội BVQLNTD để nhờ giúp đỡ, nhưng chẳng biết trụ sở ở đâu, gặp ai, thủ tục thế nào. Đành chịu thiệt thòi vậy", chị Linh nói.

Người tiêu dùng chưa hiểu hết "quyền năng"

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1.7.2011. Tuy nhiên, trên thực tế, các vụ việc vi phạm quyền lợi NTD vẫn diễn ra khá phổ biến.

Theo Điều 8, Luật BVQLNTD thì NTD có các quyền cơ bản, đó là: Quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp; quyền được cung cấp thông tin chính xác về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; quyền được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ và quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn cam kết; quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định pháp luật.

Thế nhưng, đa số NTD đều không nắm rõ quyền của mình, vì thế không biết phải làm thế nào để tự bảo vệ và muốn kiện cũng không biết đi đâu. Nguyên nhân theo Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Võ Minh Tâm là do tâm lý ngại va chạm, nên NTD chấp nhận thiệt thòi, chưa quyết liệt bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Không chỉ là 1 tháng, 1 ngày

Vấn đề BVQLNTD không chỉ nằm ở Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15.3) hay tháng hành động vì người tiêu dùng (tháng 3). Mà vấn đề cơ bản là, phải đặt quyền lợi của NTD trong chính đạo đức của người kinh doanh và cần thiết phải xây dựng thành hệ thống vững chắc, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vấn đề này.

Trong tháng hành động vì NTD và Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam ở Quảng Ngãi phần lớn các doanh nghiệp vẫn chỉ hướng tới các hoạt động giảm giá, khuyến mại. Doanh nghiệp và nhà phân phối vẫn chưa tập trung vào cái chính là xây dựng thương hiệu, cam kết giữ vững chất lượng, giá cả để BVQLNTD. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn quảng cáo sản phẩm một đằng, nhưng chất lượng thực tế của hàng hóa lại không đúng như quảng cáo... 

Giám đốc Sở Công thương Trần Phước Hiền cho rằng: "Bảo vệ quyền lợi NTD là một trong những nhiệm vụ của quản lý nhà nước và là trách nhiệm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, khi NTD biết sử dụng quyền lựa chọn của mình để mua hàng hóa chất lượng là một cách tự bảo vệ mình hữu hiệu nhất. Vì thế, cần thiết phải đẩy mạnh tuyên truyền Luật BVQLNTD hơn nữa trong cộng đồng dân cư".



Bài, ảnh: THANH NHỊ


 


.