Mùa săn đặc sản "tiến vua" của ngư dân Sa Huỳnh

09:03, 31/03/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Mùa này biển ấm, nước biển trong veo, các thợ lặn ở vùng biển Sa Huỳnh (Đức Phổ) xuất quân ra biển lặn dọc theo các gành đá, săn nhum, một trong những đặc sản nổi tiếng của Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN


Theo sử sách, vào đời vua Minh Mạng, mỗi năm người dân Quảng Ngãi phải nộp mắm nhum để tiến cống cho triều đình và bắt buộc phải cống bằng vật phẩm, không được thay thế bằng tiền. Vì thế, mắm nhum còn được gọi với cái tên hoa mỹ là mắm tiến vua hay mắm ngự.

Nhum biển (hay còn gọi là cầu gai, nhím biển, chôm chôm) là loài nhuyễn thể sống trong các rặng đá gần bờ dưới lòng biển. Ở tỉnh ta, nhum sống tập trung chủ yếu ở các vùng biển Bình Sơn và Đức Phổ, nhưng nhum Sa Huỳnh có vị đặc trưng riêng so với nhum ở các vùng biển khác, mà thưởng thức một lần khó có thể quên.

 

Ngư dân Sa Huỳnh vào mùa săn nhum, đặc sản tiến vua nổi tiếng của Quảng Ngãi.
Ngư dân Sa Huỳnh vào mùa săn nhum.


Những ngày này biển êm, khi mặt trời vừa ló dạng, vùng biển thôn Châu Me, xã Phổ Châu (Đức Phổ) là nơi mưu sinh của gần 40 thợ lặn. Họ mặt đồ lặn, mang móc sắt, kính lặn, ống thở hơi,… dong thúng ra biển, ngụp lặn dưới các ghềnh đá bắt nhum.

Anh Nguyễn Hà, người có thâm niêm hơn 30 năm lặn bắt nhum ở vùng biển Sa Huỳnh kể: Mùa này biển êm, ấm, có thể nhìn thấy mọi ngóc ngách dưới đáy biển. Nó là thế giới tuyệt đẹp. Thợ lặn phải lướt nhanh như chạy trên bờ.

Khi phát hiện nhum, thợ lặn dùng móc sắt giật mạnh để nhum rơi khỏi đá, nhặt lấy rồi ngoi lên bỏ vào rổ nhựa gắn phao nổi bồng bềnh trên mặt nước và lấy san hô che mát cho nhum.

Đến khi đầy thúng là vào bờ để chế biến ngay,  vì nhum khi rời khỏi nước mặn của biển chỉ sống được khoảng 1,5 giờ đồng hồ. Sau khoảng thời gian ấy, gai của nhum bị gãy rụng và thịt nhum bị ương. Vì thế khi người thợ lặn dong thuyền ra biển săn nhum thì trên bờ, vợ, con phải túc trực để thuyền vào lúc nào chế biến lúc ấy.

 

Thịt nhum có màu vàng.
Thịt nhum có màu vàng.


Anh Hà cho biết, một ngày lặn săn nhum bắt đầu từ sáng sớm đến chiều tối, ngày nào giỏi lắm mới kiếm được 3kg nhum thịt, thông thường là hơn 2kg, giá bán hiện tại là 320.000 - 350.000/kg, mỗi thuyền thu về trên dưới 700.000 đồng/ngày cho một ngày lao động cực nhọc.

“Mùa khai thác nhum từ cuối tháng 2 đến tháng 6 âm lịch cũng là mùa sinh sản của nó và khi có mưa giông, sóng to là dứt vụ. Nhum kỵ nhất là mưa giông, nếu chiều tối có mưa giông, sáng hôm sau, thịt nhum bị teo và chuyển sang màu đen. Càng gần cuối mùa, khi rong mơ đã già và rụng, nhum càng chắc thịt, thơm và ngon nhất”- thợ lặn Nguyễn Hồng góp chuyện.

Theo ngư dân Nguyễn Hồng, ở vùng biển Sa Huỳnh có 4 loại nhum là nhum đen, nhum sọ, nhum giang và nhum bén. Nhum đen chiếm đa số; nhum sọ rất ít; nhum bén rất to, có gai dài, có con to đến bằng đầu người; nhum giang gai láng, gai và thịt có màu đỏ nhìn rất đẹp, thơm và ngon hơn các loại nhum khác.

 

Mắm nhum, đặc sản nổi tiếng của vùng biển Sa Huỳnh.
Mắm nhum, đặc sản nổi tiếng của vùng biển Sa Huỳnh.


Vào mùa săn nhum, mỗi tháng anh Hồng săn được 60 - 70kg nhum thịt, giá tùy thời điểm, anh kiếm được trên chục triệu đồng, đổi lại sức lực suy kiệt vì cả ngày ngụp lặn trong nước. Để trở thành thợ lặn nhum, đòi hỏi sự dẻo dai, vận động liên tục không nghỉ ngơi.

Chế biến nhum rất kỳ công. Nhum sau khi được mang vào bờ dùng dao đặt ngay miệng của nhum bổ đôi để lấy phần thịt bên trong rồi dùng mảnh tre nhỏ được vót nhọn khều lấy phần thức ăn, ruột, gân máu bỏ đi, giữ lại phần màu vàng gạch cua bên trong tựa như trứng cá.

Chị Loan, chủ quan Hồng Loan cho biết, thịt nhum chế biến được rất nhiều món, có thể ăn sống chấm chanh ớt, mù tạt. Nhum ngon và thơm phức là nướng trên bếp than, rắc thêm chút mỡ hành hay nấu cháo nhum, chả nhum. Nhưng ngon nhất là chế biến thành mắm nhum.

Thịt nhum cho vào chai, rải muối và tiêu rồi đậy nắp kín, để nắng nửa tháng chuyển sang đặc sền sệt màu hồng đỏ ăn với thịt ba rọi cuốn bánh tráng, rau sống. Cũng chính vì hương vị đặc trưng của các món chế biến từ nhum mà các thực khách đến đây thường không bỏ qua món nhum biển. 

Bài, ảnh: A.KIỀU
 


.