Mộ Đức: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

05:03, 07/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xác định được tầm quan trọng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong tiến trình hiện đại hóa nông thôn, huyện Mộ Đức đang đẩy mạnh triển khai nhiều mô hình, dự án nông nghiệp công nghệ cao, vùng sản xuất an toàn. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đem lại thu nhập cao cho người dân.

TIN LIÊN QUAN

Ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao

Mộ Đức đang xây dựng 3 vùng kinh tế trọng điểm để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, dựa vào ưu thế của mỗi vùng, địa phương này sẽ tập trung thu hút đầu tư vào từng đối tượng cây trồng cụ thể, tạo ra những sản phẩm hàng hóa an toàn, cho hiệu quả kinh tế cao.

  Mô hình sản xuất ớt an toàn tại xã Đức Chánh.
Mô hình sản xuất ớt an toàn tại xã Đức Chánh.


Với lợi thế có khoảng 200ha đất do Nhà nước quản lý, vùng kinh tế trọng điểm phía tây huyện Mộ Đức đang có nhiều thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Nắm bắt lợi thế này, Công ty Xuất nhập khẩu bao bì TP.Hồ Chí Minh đã xây dựng dự án đầu tư vào mô hình trồng khoai lang Nhật Bản xuất khẩu với quy mô 200 - 250ha. Trước mắt, mô hình này sẽ được trồng thử nghiệm khoảng 2,8ha tại xã Đức Lân. Hiện công ty này đã làm đất xong và đang tiến hành khoan giếng để chuẩn bị xuống giống.

Mô hình trồng khoai lang Nhật Bản xuất khẩu được thực hiện theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Tất cả các quy trình từ khâu làm đất đến hệ thống tưới phun đều được thực hiện bằng máy, hệ thống tưới phun tự động vừa tiết kiệm được nước tưới, vừa mang lại hiệu quả, năng suất lao động cao.
 

“Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một đề án dài hơi, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng, cũng như đơn giản hóa các thủ tục về đất. Bên cạnh đó, huyện sẽ hướng dẫn cho các nhà đầu tư trong khâu lập dự án, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức VŨ NHÂN

Ông Nguyễn Mậu Biên – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tú Sơn 1, cho biết: “Dự án trồng khoai lang Nhật Bản xuất khẩu là một mô hình mới mà trước giờ người dân địa phương chưa từng biết đến. Một khi dự án này triển khai thành công và được nhân rộng sẽ tạo điều kiện cho người dân ở khu vực này phát triển kinh tế. Do đó, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi để giao đất cho nhà đầu tư”.

Đối với vùng kinh tế phía đông, huyện Mộ Đức tập trung xây dựng vùng trồng rau, củ, quả. Theo đó, huyện đã thu hút được dự án trồng hành tỏi ven biển với quy mô 30ha. Đây là một dự án lớn mở ra nhiều cơ hội về giải quyết việc làm cho người dân địa phương; đồng thời khai thác được lợi thế của đất, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở vùng đất cát cho địa phương.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Trong thời gian qua, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất các loại cây trồng trên địa bàn huyện Mộ Đức đã đem lại nhiều kết quả khả quan, góp phần đưa năng suất cây trồng ngày càng được nâng cao, gắn với vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong các sản phẩm trồng trọt. Công tác dồn điền đổi thửa đã góp phần đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, thực hiện sản xuất được đồng bộ hơn; đồng thời, hạ giá thành nông sản và nâng cao chất lượng.

Cùng với chính sách hỗ trợ cho vay vốn để phát triển sản xuất, nhân dân trên địa bàn huyện có điều kiện vay vốn mua các loại máy móc phục vụ cho sản xuất. Bên cạnh đó, công tác chuyển giao và ứng dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi mới với quy trình sản xuất tiên tiến cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện từng tiểu vùng sinh thái của địa phương, quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa.

Trong năm 2016, tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Vĩnh, xã Đức Phú đã thực hiện mua sắm các loại giống, vật tư phục vụ công tác chuyển đổi 80ha lúa sang trồng 50ha đậu phụng, 15ha mè và 15ha bắp; đồng thời tổ chức mua máy làm đất, máy ép dầu, bình phun thuốc động cơ, máy bóc bẹ, máy tách hạt bắp phục vụ dự án. Các cây trồng hiện nay đã cho thu hoạch, năng suất đạt 32 tạ/ha (đậu phụng), 66 tạ/ha (bắp), 8 tạ/ha (mè).

Không chỉ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khâu trồng và thu hoạch mà còn ứng dụng các biện pháp tiên tiến trong phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, tăng cường dịch vụ thú y. Tăng mức đầu tư và đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất cây trồng, vật nuôi, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản, tạo đột phá về năng suất, chất lượng.

Tạo ra những vùng sản xuất an toàn

Với đặc điểm là huyện đồng bằng, Mộ Đức xác định các đối tượng sản phẩm chủ lực là các sản phẩm trồng trọt như lúa, bắp, đậu phụng hàng hóa, phát triển diện tích rau vụ đông. Mặt khác, chú trọng phát triển các sản phẩm chăn nuôi gia súc và thâm canh diện tích rừng sản xuất. Do đó, đối với vùng kinh tế động lực, tuy phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ được xem là ngành mũi nhọn, nhưng đây cũng là vùng trọng điểm để xây dựng vùng lúa hàng hóa theo hướng nông nghiệp sạch (VietGap) ở 2 xã Đức Tân và Đức Thạnh.

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận.


Hiện huyện đã tiến hành quy hoạch vùng và sẽ đi vào sản xuất trong vụ hè thu 2017. Còn tại xã Đức Chánh, một dự án sản xuất giống lúa có quy mô từ 5 - 10ha cũng đã mời được doanh nghiệp lập dự án. Riêng dự án rau sạch quy mô 3,5ha đang được san ủi mặt bằng để thực hiện các bước đầu tư.

Tuy nhiên, để thực hiện được những vùng sản xuất lúa hàng hóa với quy mô lớn từ 1.500 - 2.000ha thì trước tiên phải hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa. Do đó, trong thời gian tới, Mộ Đức sẽ ưu tiên cho việc dồn điền đổi thửa tại xã Đức Nhuận, gắn chuyển đổi cơ cấu cây trồng với xây dựng nông thôn mới.

Đồng hành cùng với cây trồng, việc xây dựng các vùng chăn nuôi theo hướng hàng hóa cũng được huyện Mộ Đức quan tâm. Đến nay, gần 200 gia trại và 13 trang trại trên địa bàn huyện đang hoạt động có hiệu quả, đem lại lợi nhuận cho hộ gia đình, giải quyết được việc làm tại địa phương. Đặc biệt, thông qua phát triển kinh tế trang trại làm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích tụ ruộng đất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tái cơ cấu gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân tại các xã trên địa bàn huyện; kết cấu hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Thu nhập bình quân đầu người của người dân khu vực nông thôn trên 24 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng những vùng sản xuất an toàn, tạo ra những sản phẩm hàng hóa an toàn không phải là chuyện đơn giản.

Đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cao đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn. Vì vậy để hoàn thành được các mục tiêu đặt ra, Mộ Đức đang tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp. Ngoài ra, huyện sẽ có những hỗ trợ ban đầu như đường cấp phối, hệ thống điện để các nhà đầu tư thuận lợi trong việc vận chuyển vật tư, sớm triển khai dự án.
     

Bài, ảnh: AN NHIÊN

 


.