Kinh tế thủy sản bấp bênh: Nhìn từ ý thức sản xuất

02:03, 13/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng vì sao kinh tế thủy sản vẫn bấp bênh? Phải chăng vì vốn đầu tư phát triển hạ tầng thủy sản thiếu, hay do công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng bất cập?

Thời điểm này, thủy sản đang bước vào vụ khai thác, nuôi trồng chính trong năm. Thế nhưng, tại các đồng tôm nước lợ lại vắng bóng người, ao đìa hoang hóa. Các khu vực nuôi cá lồng bè cũng không còn rộn ràng, vì đầu ra bấp bênh, dịch bệnh tái phát. Lĩnh vực khai thác hải sản tuy được mùa, nhưng giá bán liên tục biến động, khiến ngư dân than vắng thở dài...

Mạnh ai nấy làm

Bất cập của phát triển thủy sản hiện nay là việc mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy nuôi và mạnh ai nấy xả thải. Hệ lụy kéo theo không chỉ là ô nhiễm môi trường, suy giảm sinh kế mà còn phá vỡ sinh cảnh. Điển hình như việc xâm chiếm rừng ngập mặn ven biển để khai thác, nuôi trồng thủy sản. Tại xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), hơn 120ha dừa nước xanh mướt từng được người dân xem như “bức tường” ngăn gió, chắn cát giờ lọt thỏm giữa  ma trận các hồ tôm. Còn hơn 3ha rừng đước tại thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) cũng bị hồ tôm chiếm chỗ, bị thu hẹp còn chưa đầy 1ha.

 

Theo thống kê của ngành thủy sản, các lượng cá tạp chiếm đến 70%, trong khi các loài cá giá trị kinh tế cao chỉ đạt 30% trong mỗi mẻ cá.                                                          ẢNH: MH
Theo thống kê của ngành thủy sản, các lượng cá tạp chiếm đến 70%, trong khi các loài cá giá trị kinh tế cao chỉ đạt 30% trong mỗi mẻ cá. ẢNH: MH


Theo thống kê của Sở TN&MT, hiện toàn tỉnh chỉ còn gần 200ha rừng ngập mặn ven biển, giảm gần 120ha so với năm 2002. Rừng trọc, nguồn tài nguyên nước bị ô nhiễm, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, sinh cảnh bị phá vỡ, sinh kế của người dân cũng không còn. Chi cục phó Chi cục Thủy sản Đỗ Thị Thu Đông cho rằng, tái tạo rừng đã khó, tái tạo sinh cảnh và sinh kế cho người dân càng khó hơn. Vì vậy, bên cạnh việc phục hồi diện tích rừng ngập mặn ở khu vực ven biển, cần thiết phải quy hoạch và đầu tư bài bản các vùng nuôi trồng thủy sản, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy xả thải như hiện nay.
 

Từ khi UBND tỉnh triển khai thực hiện Dự án trồng mới và phục hồi 114ha rừng ngập mặn ven biển xã Bình Thuận (Bình Sơn), người dân thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận cũng tích cực tham gia bảo vệ và trồng đước phía bên ngoài các hồ tôm, góp phần đẩy lùi tình trạng xâm chiếm rừng ngập mặn ven biển để nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Sao không cấp phép khai thác, nuôi trồng thủy sản?

Trong khi lĩnh vực nuôi trồng thủy sản loay hoay với công tác quy hoạch-sản xuất-tiêu thụ, thì khai thác hải sản cũng bước vào giai đoạn khó khăn. Ngoài những bất lợi do giá cả biến động, cảng biển bồi lấp, hạ tầng dịch vụ thủy sản vừa thiếu, vừa yếu thì vấn đề quan ngại là nguồn lợi hải sản đã và đang giảm mạnh.

Theo thống kê của ngành thủy sản, các lượng cá tạp chiếm đến 70%, trong khi các loài cá giá trị kinh tế cao chỉ đạt 30% trong mỗi mẻ cá. Xảy ra tình trạng này, một phần là do ngư dân sử dụng phương tiện và phương pháp khai thác hải sản không phù hợp. “Tàu giã cào hoạt động gần bờ, ngư dân lén lút sử dụng máy sục khí loại lớn trong quá trình khai thác là nguyên nhân khiến nguồn lợi hải sản sớm rơi vào cảnh... tuyệt chủng”, lãnh đạo Chi cục Thủy sản bày tỏ.

Một số ý kiến cho rằng, thay vì cứ để mạnh ai nấy làm như hiện nay, tại sao ngành chức năng không thay đổi phương thức quản lý bằng cách cấp giấy phép khai thác hoặc nuôi trồng thủy sản. Để được cấp giấy "thông hành" này, người dân phải cam kết tuân thủ các điều kiện về môi trường, quy hoạch, phương thức và phương tiện sản xuất, kinh doanh... Những ràng buộc trên sẽ “lọc” những hộ không đáp ứng yêu cầu, từ đó tạo điều kiện để cá nhân và đơn vị có điều kiện hình thành vùng sản xuất lớn.

Dù đánh giá là “giải pháp hay”, nhưng Chi cục phó Chi cục Thủy sản Đỗ Thị Thu Đông cho rằng, cấp giấy phép không khó, vấn đề là người dân có sẵn sàng hợp tác và ngành chức năng có mạnh dạn tước giấy phép khi các hộ vi phạm hay không? Nhất là khi việc đánh giá và xử lý của chính quyền cơ sở hiện nay vẫn theo kiểu “dĩ hòa vi quý”. “Hơn nữa, cần nghiên cứu và đánh giá cụ thể mức độ tác động, tránh ảnh hưởng đến sinh kế người dân. Bởi, chỉ riêng lực lượng nuôi  trồng thủy sản cũng đã có trên 4.000 hộ tham gia”, bà Đông bày tỏ.  
 

MỸ HOA
 


.