Bỏ quy định gây tranh cãi, nới lỏng điều kiện nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ

04:03, 13/03/2017
.

Nhằm giảm bớt quy định trong thủ tục nhập khẩu ô tô loại dưới 9 chỗ ngồi, Bộ Công Thương đã quyết định bãi bỏ Khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống.

 

 Yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy uỷ quyền của chính hãng từng khiến nhiều thương nhân nhập khẩu ô tô "khổ sở".
Yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy uỷ quyền của chính hãng từng khiến nhiều thương nhân nhập khẩu ô tô "khổ sở".


Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 04/2017/TT-BCT về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống.

Theo đó, nhằm giảm bớt quy định trong thủ tục nhập khẩu ô tô loại dưới 9 chỗ ngồi, Bộ Công Thương đã quyết định bãi bỏ Khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống

Điều 1 Thông tư 20/2011/TT-BTC hiện quy định: thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, phải nộp bổ sung Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật.

Quy định này cũng yêu cầu thương nhân nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ phải có Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp.

Như vậy, Thông tư 04/2017/TT-BCT đã bãi bỏ quy định phải nộp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện khỏi danh mục giấy tờ bắt buộc khi làm thủ tục nhập khẩu.

Thông tư 20 được ban hành vào năm 2011 trong bối cảnh thị trường ô tô trong nước thường xuyên xảy ra tình trạng: ồ ạt nhập ô tô về bán khiến cung vượt cầu, lượng ô tô tồn kho ngày một nhiều. Theo đó, các thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu phải có: Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là doanh nghiệp nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó; Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp. Chính vì những quy định này đã gây ra nhiều ý kiến tranh cãi.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhiều lần phản ánh, quy định tại Thông tư số 20 yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy uỷ quyền của chính hãng là “điều kiện kinh doanh”, không phải thủ tục hành chính và như vậy phải hết hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Bộ Công Thương cần tuyên bố hết hiệu lực Thông tư này để doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu.

Đến ngày 18/8, trong văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương khẳng định, Thông tư 20 không trái luật, có mục tiêu chính đáng. Bộ Công Thương lý giải, văn bản trên không nhằm "hạn chế nhập khẩu" hoặc "kiềm chế nhập siêu" mà chỉ mang mục đích "bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ".

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20 và chỉ đồng ý bãi bỏ Thông tư 20 khi các quy định do Bộ Giao thông Vận tải ban hành chính thức có hiệu lực.

Tiếp đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có dự thảo thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu, trong đó có quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu. Theo đó, hồ sơ nhập khẩu buộc phải có “bản chính giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng”.

Nhiều chuyên gia đánh giá, Dự thảo của Bộ Giao thông Vận tải được chú ý với các điều khoản có tính chất kéo dài những điều kiện của Thông tư 20 khi tiếp tục trao một “thương quyền quá lớn” cho nhà sản xuất tại nước ngoài, mà bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam.
 

Theo Phương Dung/Dân Trí

 


.