Tiếng vọng từ biển

06:02, 10/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đã nhiều lần bị nạn trên biển, những tưởng sẽ đánh gục ý chí của ngư dân, nhưng tiếng vọng từ biển lại thúc giục họ ra khơi.

Với họ, biển cả đã là một phần máu thịt. Biển là nguồn sống, là quê hương, nên xa là nhớ.

TIN LIÊN QUAN


Còn khỏe là còn bám biển

Chúng tôi ghé thăm ngư dân Võ Văn Lựu ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) vào một chiều cuối năm. Đã ngoài 50 tuổi, nhưng ông Lựu vẫn say mê với biển cả. Ông chia sẻ: Ngày nào còn khỏe tôi còn bám biển...

Mười sáu tuổi, ông đã theo cha ra biển đánh bắt. Đến năm 20 tuổi, ông ra Lý Sơn đi bạn cho ngư dân trên đảo, vì nghĩ rằng ngư dân Lý Sơn có kinh nghiệm đánh bắt hơn các vùng biển khác, nên mình sẽ có cơ hội để học hỏi. Hai năm sau, khi tích lũy được ít vốn, ông cùng với gia đình đóng con tàu 45CV để đánh bắt, khiến nhiều ngư dân khâm phục, vì sở hữu một con tàu có giá trị lớn. Khi đó ông mới 22 tuổi.

Lão ngư Võ Văn Lựu kiểm tra ngư cụ cho phiên biển đầu năm.                             ẢNH: ĐĂNG SƯƠNG
Lão ngư Võ Văn Lựu kiểm tra ngư cụ cho phiên biển đầu năm. ẢNH: ĐĂNG SƯƠNG


Nhưng rồi, nghề biển không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Năm 1992, khi ông đang đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa thì gặp bão. Lúc này trên tàu có 14 thuyền viên, nhưng với kinh nghiệm hơn 10 năm đi biển, ông Lựu đã bình tĩnh điều khiển tàu  và cứu thêm 16 thuyền viên  trên con tàu của ngư dân Đà Nẵng. Sau đó, tàu của ông mắc cạn ở quần đảo Hoàng Sa, phải một tuần ông mới được tàu của ngư dân Lý Sơn đưa vào đất liền. Dù giữ được tính mạng nhưng con tàu 45CV đã bị hư hỏng nặng. Dẫu vậy, tiếng vọng từ Hoàng Sa lại thúc giục ông tiếp tục ra khơi.

Năm 2009, tàu ông bị tàu nước ngoài bắt giữ lấy toàn bộ tài sản, khiến con đường mưu sinh trở nên khó khăn hơn. Nhưng ông không bỏ cuộc, một năm sau ông đóng mới con tàu công suất 270CV và hai năm sau đóng thêm tàu 430CV. "Đến nay, tôi đã 6 lần gặp nạn trên biển. Mới nhất là vào tháng 6 năm nay, khi vừa ra ngư trường Hoàng Sa vài ngày thì bị tàu nước ngoài phá máy móc, ngư cụ. Trở về đất liền với hai bàn tay trắng, tôi nghĩ mình sẽ từ bỏ biển khơi. Nhưng nhờ sự tiếp sức các tổ chức, của bà con ngư dân, tôi lại vay vốn đóng mới con tàu công suất 770CV, để trực chỉ Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là con tàu thứ 7 mà tôi sở hữu", ông Võ Văn Lựu chia sẻ.

Biển là quê hương

Ngư dân Võ Ngọc Thạch (47 tuổi) ở thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh(Đức Phổ) cũng đã quá quen với vị mặn của biển. Ngồi trong ngôi nhà khang trang vừa xây năm 2015, ông chia sẻ với chúng tôi về những vui buồn của nghề biển. Năm 14 tuổi, ông vào TP.Nha Trang (Khánh Hòa) để đi bạn đánh bắt cá chuồn. Hai năm sau, ông về lại quê hương theo tàu đi đánh bắt ở vùng biển Lý Sơn. Đến năm 31 tuổi, ông góp vốn với một người hàng xóm sắm chiếc tàu 35CV để đi đánh bắt ở vùng đảo Lý Sơn. Nhờ con tàu góp chung này, mà ba năm sau đó vợ chồng ông đóng được tàu riêng với công suất 35CV.

Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi vươn khơi.    ẢNH: NGỌC VIÊN
Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi vươn khơi. ẢNH: NGỌC VIÊN


Mọi chuyện vẫn thuận buồm xuôi gió cho đến năm 2005, vì cứu một con tàu bị mắc cạn ở cảng Sa Huỳnh mà con tàu của ông hư hỏng nặng... Những ngày này, nhìn cuộc sống gia đình túng thiếu, khiến ông Thạch không thể ngồi nhà chờ thời. Thế là ông lần mò tìm mua con tàu cũ của một người bạn để đi đánh bắt tạm để khỏi nhớ biển. Đến năm 2011, ông bán tàu cũ, đóng tàu mới với công suất 150CV, nhưng làm ăn chưa được bao lâu thì ông bị thương, tàu thì bị nước ngoài giam giữ. Vậy là chuyến đi năm đó mất trắng, gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Thế nhưng, biển đã ăn sâu vào máu thịt của ông, nên năm 2013 vợ chồng ông quyết tâm vay mượn, đóng mới con tàu 355CV hơn 1 tỷ đồng. Nhờ sự kiên cường đó mà cuộc sống gia đình ông dần ổn định. Ông Thạch chia sẻ: "Biển như là quê hương vậy. Xa là nhớ".


ĐĂNG SƯƠNG


 


.