Tăng cường quản lý các nguồn vốn xây dựng cơ bản

10:02, 18/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều công trường xây dựng ở Tây Trà đã trở lại làm việc sau những ngày nghỉ Tết. Đại diện chủ đầu tư đã xuống hiện trường kiểm tra, nhắc nhở đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân... nhằm tránh tình trạng "nhà thầu ì ạch sau khi ứng vốn"...

TIN LIÊN QUAN

Đổi mới phương thức quản lý vốn

Dự án nâng cấp tuyến đường Trà Lãnh - Trà Thọ là công trình lớn chuyển tiếp từ 2016 sang năm 2017. Tổng nguồn vốn đầu tư cho công trình này 21 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, năm 2016 đã giải ngân 7 tỷ đồng và 2017 được bố trí tiếp 6 tỷ đồng. Theo quy định, khối lượng thi công sẽ song hành với tiến độ bố trí vốn. Tuy nhiên, nhà thầu là Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Thành cam kết sẽ tập trung nhân lực, tự bỏ ra khoảng 8 tỷ đồng bù đắp phần vốn năm 2018 chưa có kế hoạch phân khai để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo cuối năm 2017 này tuyến Trà Lãnh - Trà Thọ hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Thi công công trình giao thông trên địa bàn huyện Tây Trà.
Thi công công trình giao thông trên địa bàn huyện Tây Trà.


Dự án công trình khẩn cấp khắc phục sạt lở tuyến đường Trà Lãnh - Trà Thọ (5 tỷ đồng) khởi công cuối 2016. Thời gian hoàn thành vào tháng 1.2017. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, thi công chậm, nên tiến độ giải ngân đến nay đạt khoảng 50%. UBND huyện Tây Trà đã cho phép nhà thầu gia hạn thời gian thi công đến cuối tháng 3.2017.

Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Tây Trà Mai Quý Dương, cho biết: "Nhiều dự án chậm tiến độ vì bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Vì thế, ngay từ đầu năm, huyện đã tăng cường đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn kịp thời. Huyện đã phân công cán bộ chịu trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc từng công trình dự án, không để tình trạng cho nhà thầu ứng vốn rồi bỏ trốn như trước đây".

Nhiều nguồn vốn giải ngân chậm

Năm 2016, tổng các nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình dự án trên địa bàn huyện Tây Trà khoảng 65 tỷ đồng. Việc giải ngân một số nguồn vốn chậm gây thắc mắc trong nhân dân; điển hình là nguồn vốn 30a.

Năm 2016, tổng nguồn vốn 30a của Tây Trà khoảng 28,6 tỷ đồng, nhưng giải ngân chỉ đạt 8,6 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn 2015 chuyển sang 8,6 tỷ đồng, giải ngân được 7,7 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm  2016 hơn 20 tỷ đồng, giải ngân chỉ đạt 970 triệu. Hơn 19 tỷ đồng còn lại, huyện đề nghị chuyển sang năm 2017 để tiếp tục thực hiện. Hầu hết các công trình vốn 30a đầu tư mới của năm 2016 hiện tại mới chỉ triển khai đến giai đoạn... thiết kế.

Đánh giá về tình hình giải ngân, UBND huyện Tây Trà khẳng định tiến độ một số công trình và từng giai đoạn đầu tư còn chậm. Nguyên nhân do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc; cơ chế chính sách thay đổi gây khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư; thời tiết bất thường...

Nỗ lực đòi nợ "tạm ứng"

Huyện Tây Trà là địa phương đứng thứ hai trong tỉnh về số nợ tạm ứng xây dựng cơ bản phát sinh từ những năm trước, trong đó chủ yếu là dự án đường Trà Phong - Gò Rô - Trà Bung và đường Trà Phong - Trà Ka, với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng. UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Tây Trà khẩn trương thu hồi dứt điểm trong năm 2016. "Đây là những khoản nợ tạm ứng phát sinh từ nhiều năm trước. Huyện đang tạo mọi điều kiện để các nhà thầu này trở lại tiếp tục thi công công trình đường Trà Phong - Trà Ka để có khối lượng thu hồi nợ đạt kết quả cao nhất", ông Mai Quý Dương cho biết.

Năm 2016, huyện Tây Trà đã thu hồi nợ tạm ứng vốn tuyến đường Trà Phong - Trà Ka được khoảng 1,3 tỷ đồng trong tổng số 3,9 tỷ đồng các nhà thầu tạm ứng. Trong quý I và II năm 2017, huyện tiếp tục thu hồi thêm khoảng 1,3 tỷ đồng nữa. Số nợ tạm ứng của dự án này sẽ thu hồi dứt điểm trong  năm 2017. Riêng số nợ tạm ứng khoảng 7 tỷ đồng của hai nhà thầu là Công ty TNHH Hoàng Vũ và Công ty TNHH Thiên Vũ thuộc dự án đường Trà Phong - Trà Ka và đường Trà Phong - Gò Rô - Trà Bung, hiện các nhà thầu này đã phá sản, không còn khả năng trả nợ. Hiện  UBND huyện Tây Trà đã khởi kiện vụ việc ra tòa án.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.