Rau lại rớt giá

06:02, 10/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước, trong và sau Tết Nguyên đán, người trồng rau khấp khởi vì giá rau xanh tăng cao. Nhưng đến mùng bảy tháng Giêng giá các loại rau xanh bất ngờ giảm mạnh. Người trồng rau rơi vào cảnh bán thì thương, vương thì tốn...

TIN LIÊN QUAN


Chiều mùng bảy tháng Giêng, đồng rau thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi) tấp nập người mua bán. Nhưng trái với không khí phấn khởi, vui mừng như thời điểm trước, trong và những ngày đầu sau Tết, việc mua bán rau lại khiến người trồng rau khắc khoải buồn.

Đầu xuân, giá rau xanh giảm mạnh khiến người trồng rau kém vui.
Đầu xuân, giá rau xanh giảm mạnh khiến người trồng rau kém vui.

“Mùng sáu Tết, xà lách vẫn bán được 5.000 đồng/kg. Vậy mà hôm nay giá chỉ 1.500 đồng/kg, đã thế thương lái còn yêu cầu phải rửa rau sạch sẽ nữa...”, ông Nguyễn Tấn Hùng, thôn 6 chia sẻ. Tháng 11.2016, gia đình ông Hùng thuê 6 sào đất ở vùng rau Nghĩa Dũng và bãi bồi sông Trà Khúc để sản xuất la ghim, phục vụ thị trường Tết. Tuy nhiên, mưa lụt vào những tháng cuối năm 2016 đã cuốn trôi tất cả, ông Hùng rơi vào cảnh khó khăn. Vì lẽ ấy nên ông Hùng hy vọng, vụ rau sau Tết sẽ giúp gia đình vượt khó. Nhưng chỉ mới thu hoạch được 1/3 sản lượng thì giá rau các loại bất ngờ giảm mạnh.

Trong khi đó, bà Trần Thị Tâm cũng rơi vào cảnh “bán thì thương, vương thì tốn” với hàng chục sào cải thìa. Từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, giá cải thìa giảm chỉ còn 500 - 1.000 đồng/kg. Thu nhập không đủ trả chi phí công thu hoạch nên hiện tại, hơn 3 sào cải thìa của bà Tâm đành phải phơi nắng phơi mưa. “Mọi năm thì qua rằm tháng Giêng, giá rau xanh mới giảm nhẹ. Nhưng không hiểu sao năm nay, mới mùng bảy tháng Giêng mà giá rau đã rơi tự do rồi”, bà Tâm than thở.

Thông thường, sau Tết nhu cầu tiêu thụ rau xanh tăng mạnh nên mặt hàng này thường rơi vào cảnh khan hiếm. Vì lẽ ấy nên không chỉ bà Tâm, mà nhiều hộ trồng rau trong tỉnh đầu tư sản xuất vụ rau sau Tết. “Nhưng người tính không bằng thị trường. Khi rau thu hoạch rộ cũng là lúc giá giảm đột ngột. Mưa lụt khiến chúng tôi không có rau bán Tết, giờ rau dồi dào thì bán chẳng ai mua”, bà Tâm trải lòng.     

 Theo người trồng rau, giá rau xanh các loại giảm mạnh là do nguồn cung quá dồi dào. Đầu tháng Chạp mới hết mưa lụt nên người trồng rau tập trung khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất. Việc xuống giống các loại rau vì thế cũng diễn ra đồng loạt chứ không xen kẽ như mọi năm. Hơn nữa, vì để kịp phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết, hầu hết người trồng rau đều sản xuất các loại rau ăn lá, ngắn ngày như cải thìa, tần ơ, xà lách... Vì vậy thời điểm này, các loại rau trên bước vào giai đoạn thu hoạch rộ nên nguồn cung dồi dào, kéo theo giá bán giảm mạnh.     

Không chỉ rau xanh, mà rất nhiều nông sản thường xuyên rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”. Tình trạng này, chính quyền và ngành chức năng cho rằng do nông dân làm theo phong trào, không sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Thực tế, ngoài điều kiện thời tiết thì, nông dân không nắm bắt thông tin giá cả thị trường, việc sản xuất không theo quy hoạch khiến họ bị động trong việc tiêu thụ. Tuy nhiên, “nếu được ngành chuyên môn hỗ trợ thông tin, địa chỉ tiêu thụ, quy hoạch và tổ chức vùng sản xuất bài bản theo quy hoạch thì sẽ chẳng có nông dân nào làm theo kiểu mì ăn liền”, ông Nguyễn Tấn Hùng, người trồng rau ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng bày tỏ. Xã Nghĩa Dũng được xem là nơi sản xuất rau lớn của tỉnh nhưng ngoài rau ăn lá, nhiều năm nay nông dân chưa mở rộng quy mô cũng như đa dạng hóa các loại rau, củ, quả. Ngoài lý do “khó sản xuất”, người trồng rau cho rằng họ chưa được tiếp cận vốn cũng như các biện pháp kỹ thuật để mạnh dạn đầu tư sản xuất các loại củ, quả.

Giá giảm, cuộc sống người trồng rau hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, người trồng rau mong muốn chính quyền và ngành chức năng sớm có cơ chế hỗ trợ để họ vượt khó. “Về lâu dài, bà con chỉ mong Nhà nước giúp đỡ để việc tiêu thụ rau ổn định, tránh tình trạng được mùa mất giá như lâu nay”, ông Hùng kiến nghị.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.