Giá vé tàu, xe dịp Tết: Tăng nhanh, giảm chậm

02:02, 22/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước và sau Tết, giá cước vận tải tăng khá cao. Thậm chí có chủ phương tiện tăng giá ngay cả khi cơ quan chức năng chưa cho phép. Tuy nhiên, hết thời hạn được phép tăng giá, nhiều chủ phương tiện vẫn chưa giảm giá trở lại mức ban đầu.

TIN LIÊN QUAN

Tuyến đường thủy Sa Kỳ - Lý Sơn: Tăng - giảm, giảm – tăng

Từ ngày 20.1 đến 11.2.2017, giá vé tăng lên thêm 30.000 đồng, tương đương 125.000 đồng lượt Sa Kỳ - Lý Sơn và 120.000 đồng Lý Sơn - Sa Kỳ. Sau đó, ngày 12.2, giá vé trở lại bình thường như thời điểm trước Tết, ở mức 95.000 đồng lượt ra đảo và 90.000 đồng từ đảo vào đất liền. Tuy nhiên, thời gian trở về giá ban đầu trước khi chưa tăng này chỉ kéo dài vỏn vẹn trong 4 ngày (từ 12-15.2.2017). Từ ngày 16, giá vé đã tăng lên hơn 20% so với trước thời điểm tăng giá dịp Tết.

 Hành khách đi tàu từ đảo Lý Sơn trở vào đất liền.
Hành khách đi tàu từ đảo Lý Sơn trở vào đất liền.


Trao đổi về vấn đề này,  Phó Giám đốc Sở GTVT Đỗ Tiến Đạt, cho biết: "Hiện nay các tàu bị lỗ đối với các ngày thứ 2, 3, 4, 5. Nhà nước không ép doanh nghiệp (DN) khi họ kinh doanh thua lỗ. Các DN đề nghị tăng giá vé, nhưng Sở GTVT đang xem xét, tính toán phù hợp với đầu vào". Ông Đạt cho biết thêm, Sở GTVT chưa cho tăng giá vì văn bản các đơn vị này ký trình chưa đúng về hình thức. Lẽ ra mỗi DN phải ký một văn bản riêng, đóng dấu riêng chứ không phải 5 DN cùng ký một văn bản.

Tuy cơ quan quản lý nhà nước chưa quyết định, nhưng hiện giá mới tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn đã áp dụng theo văn bản mà 5 DN là Công ty TNHH MTV dịch vụ bến xe Chín Nghĩa, HTX GTVT huyện Lý Sơn; DNTN dịch vụ vận tải Hồng Danh; DNTN vận tải Biển Đông; Công ty TNHH điều hành và tổ chức du lịch Đà Nẵng tham gia vận tải  cùng ký, ban hành ngày 12.2. Văn bản này được niêm yết tại phòng bán vé cảng Sa Kỳ và cảng Lý Sơn. Theo đó từ ngày 16.2, giá vé Sa Kỳ - Lý Sơn là 115.000 đồng/vé; Lý Sơn - Sa Kỳ 110.000 đồng/vé.

Tuyến đường bộ: Còn nhiều bất ổn

Tuyến vận tải hành khách đường bộ từ Quảng Ngãi đi các tỉnh, thành phố trong cả nước hiện đã giảm xuống so với thời gian cao điểm trước, trong và sau Tết. Hiện tại, tuyến Quảng Ngãi- Sài Gòn bình quân từ 300.000 - 340.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, vẫn còn một số DN chưa giảm giá trở lại như mức ban đầu mà vẫn giữ ở mức cao hơn khoảng 10%. Theo lý giải của chủ các DN này thì sau Tết giá xăng dầu tăng, nên DN phải tính toán, đảm bảo hoạt động ổn định bằng cách tăng nhẹ giá vé.

Tuy nhiên, lý giải này là chưa thực sự thuyết phục vì cùng kỳ năm 2016, khi Tết Bính Thân vừa đi qua, giá xăng dầu giảm, Sở GTVT yêu cầu các DN giảm giá cước, nhưng đều bị phớt lờ. Một số DN có chấp hành, nhưng là "cực chẳng đã". Thời điểm ấy DN viện lý do: Giá cước vận tải được hình thành bởi nhiều yếu tố mà giá xăng dầu chỉ là một yếu tố nhỏ, không mang tính chất quyết định. Còn năm nay, xăng dầu lại là lý do để DN tăng giá vé rất nhanh.

Tết Đinh Dậu, mặc dù ngành chức năng và các DN kinh doanh vận tải taxi đã đưa ra cam kết sẽ tạo mọi thuận lợi cho hành khách, không được phép từ chối chở khách đi cự ly ngắn. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra. Anh P.N- một kiến trúc sư cho biết, mùng 7 Tết khi từ bệnh viện về nhà, đón xe taxi (khoảng 4km), tài xế yêu cầu trả tiền cao gấp đôi.

Phó Giám đốc Sở GTVT Đỗ Tiến Đạt cho rằng, việc một số hãng taxi từ chối vận tải hành khách cự ly ngắn, gian lận trong tính tiền; tính tiền không đúng theo đồng hồ là không thể chấp nhận được. Theo kế hoạch, thời gian tới Sở GTVT sẽ tổng kết công tác phục vụ vận tải Tết với các DN vận tải trên địa bàn, để đánh giá, rút kinh nghiệm, nhằm đưa hoạt động này ngày càng đi vào nền nếp, thật sự mang lại sự hài lòng cho hành khách.


Bài, ảnh: THANH HUYỀN

 


.