Bãi ngang vượt... cạn

10:02, 18/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nguồn lợi hải sản suy giảm, kéo theo hiệu quả đánh bắt thấp, nên một số ngư dân khu vực bãi ngang ven biển đã mạnh dạn đầu tư, đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi xa.

TIN LIÊN QUAN

Tiên phong “vượt cạn”

Khi biết ngư dân Âu Xuân Tiến, thôn Phước Thiện đóng mới chiếc tàu vỏ gỗ công suất 900CV, vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng, người dân xã Bình Hải (Bình Sơn) hết sức thán phục. Là xã bãi ngang, nhưng do tàu công suất nhỏ, hoạt động khai thác hải sản của người dân Bình Hải chỉ diễn ra ở khu vực gần bờ, hiệu quả không cao. “Vì vậy, ông Tiến hạ thủy chiếc tàu công suất 900CV hứa hẹn sẽ tạo động lực và niềm tin thúc đẩy ngư dân bãi ngang mạnh dạn đầu tư cải hoán, nâng cấp, đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi xa”, Chủ tịch UBND xã Bình Hải Bùi Trạng chia sẻ.

Ngư dân Âu Xuân Tiến đầu tư đóng mới chiếc tàu công suất lớn đầu tiên ở vùng bãi ngang để vươn khơi xa.
Ngư dân Âu Xuân Tiến đầu tư đóng mới chiếc tàu công suất lớn đầu tiên ở vùng bãi ngang để vươn khơi xa.


Để có được con tàu mơ ước ấy, ông Tiến bảo rằng, “mình may mắn và có phần liều lĩnh”. Dù có thừa tâm huyết và kinh nghiệm khai thác hải sản xa bờ, nhưng vì nguồn lực hạn chế, ông Tiến gặp không ít khó khăn trong quá trình tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Do đó, sau khi có Nghị định 67, ông Tiến đăng ký tham gia và được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn ưu đãi đóng mới tàu vỏ gỗ. Rất nhanh chóng, ông Tiến hoàn thiện hồ sơ vay vốn và được Ngân hàng TMCP Ngoại thương - Chi nhánh Quảng Ngãi cho vay số tiền lên đến 70% giá trị chiếc tàu. “Lúc đầu tôi tính đóng tàu vỏ thép, nhưng sau khi cân nhắc về năng lực tài chính, ngành nghề khai thác cũng như kỹ thuật vận hành, sử dụng thì tôi thấy tàu vỏ gỗ phù hợp với mình hơn”, ông Tiến chia sẻ.

Vùng bãi ngang cần tiếp sức

Không phải ngư dân nào cũng được ngân hàng tin tưởng ký hợp đồng tín dụng, nhất là với ngư dân các xã bãi ngang vốn sở hữu tàu công suất chỉ từ 20-90CV, hoạt động khai thác gần bờ.

Tại xã biển Đức Minh (Mộ Đức), trên 140 chiếc tàu của ngư dân đều có công suất dưới 40CV. Vì thế, việc khai thác hải sản của bà con cũng chỉ diễn ra theo kiểu được chăng hay chớ. “Ngư dân Đức Minh chủ yếu trông chờ vào lộc biển như ốc gạo, cá trích. Nhưng vài năm gần đây, tàu giã cào tàn phá nên nguồn lợi gần bờ không còn dồi dào, làm ăn năm được năm mất”, ngư dân Nguyễn Tĩnh cho hay.

Trong khi đó, ngư dân xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) lại có nghề vây lưới trũ cá cơm, nên hoạt động khai thác hải sản gần bờ cũng khá nhộn nhịp. Tuy nhiên, cá cơm cũng được xếp vào diện “lộc biển” nên lúc có lúc không. Cuộc sống của ngư dân đánh bắt hải sản gần bờ xã Tịnh Kỳ vì thế cũng bấp bênh. “Hải sản gần bờ giá không cao, mà lại thường rơi vào cảnh được mùa rớt giá nên ngư dân chúng tôi chỉ biết lấy công làm lời”, ngư dân Nguyễn Văn Thuận cho hay.

Vì lẽ đó, ông Thuận cũng tính chuyện vay vốn, đầu tư nâng cấp công suất con tàu từ 45CV lên 200CV để chuyển ngư trường ra các vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa. Song, do không tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi, ông Thuận đành gác lại ước mơ vươn khơi xa. Theo ông Thuận, chi phí nâng cấp công suất tàu cũng như trang bị máy móc, ngư lưới cụ là hơn 300 triệu đồng. “Nguồn lực hạn chế, lại không được các ngân hàng tin tưởng ký hợp đồng tín dụng đầu tư, nên tôi khó có cơ hội đổi tàu to máy lớn để chuyển ngư trường ra xa”, ông Thuận bộc bạch.

Đó cũng là rào cản khiến ngư dân các vùng bãi ngang trong tỉnh ngại đầu tư cải hoán, nâng cấp hoặc đóng mới tàu công suất lớn. Để tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, ngư dân phải chứng minh năng lực tài chính. Trong khi đó, hầu hết ngư dân vùng bãi ngang có điều kiện kinh tế khó khăn, nên không được các đơn vị tín dụng săn đón.

Để tiếp sức cho ngư dân vùng bãi ngang trong tỉnh "vượt cạn", họ cần Nhà nước có những chính sách đặc thù và tạo điều kiện về vốn để mạnh dạn đầu tư phương tiện chuyển đổi ngư trường, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.