Thơm lừng bánh mứt miền quê

01:01, 07/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xã hội phát triển, các mặt hàng bánh, mứt Tết ít được làm thủ công; nhà nhà không còn làm bánh mứt khi Tết đến Xuân về. Thế nhưng, như duyên nợ với nghề, đây đó, ở góc quê, hẻm phố vẫn còn nhiều người giữ nghề...

TIN LIÊN QUAN

Mùi vị quê nhà

Mới đầu tháng Chạp, vùng quê Điền Trang, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) đã rộn ràng không khí Tết. Từ xa đã nghe tiếng đóng bánh nổ, mùi gừng sên đường thơm lừng. Chị Trần Thị Kim Anh đang sấy những tràng bánh nổ trắng tinh, bảo: “Làm từ đầu tháng 11, nhưng vẫn không đủ cung cấp cho bạn hàng...”. Nói rồi, chị nhanh tay đảo nồi nước đường, lấy đũa vích soi từng sợi tơ đường. Xem chừng nước đường đã chín, chị vội đổ gừng đã giã vào nồi.

Bánh quê được nhiều người thích mỗi dịp Tết đến Xuân về. Trong ảnh: Chị Trần Thị Kim Anh ở xã Nghĩa Trung sản  xuất bánh để cung cấp cho khách hàng.
Bánh quê được nhiều người thích mỗi dịp Tết đến Xuân về. Trong ảnh: Chị Trần Thị Kim Anh ở xã Nghĩa Trung sản xuất bánh để cung cấp cho khách hàng.


Trong lúc đợi nước đường keo, chị cùng anh Trung (chồng chị) lấy khuôn chuẩn bị trộn nổ vào đường để đóng bánh. Trải qua các công đoạn chừng 20 phút, những thớt bánh đầu  tiên đã đóng chặt đưa ra sàn sấy. Chị Anh bảo: “Bánh nổ được làm từ các nguyên liệu sản xuất trên đồng quê, chỉ có nếp, đường, gừng và mè. Sản phẩm làm ra cũng bằng thủ công nên bánh hoàn toàn nguyên chất. Nghề này làm từ nhiều đời, cứ mỗi năm rút kinh nghiệm mỗi ít, bánh ngày càng thơm ngon và xốp nên được nhiều khách hàng ưa chuộng”.

Năm nay, chị Anh sản xuất 1 tấn bánh nổ cây, nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 3- 4 bạn hàng. Để có nguyên liệu làm bánh, chị đã mua trữ nếp thơm ngay từ đầu mùa vụ tháng ba, trữ gừng đầu tháng 12... Sau khi phơi nếp nhiều nắng, đầu tháng 11 chị nhóm lửa rang nổ, rồi cả nhà cùng nhau lượm trấu, để đầu tháng Chạp là sên đường đóng bánh.

Bánh quê thành quà quý

Ngày cận Tết, căn nhà nhỏ của bà Sáu Châu ở đường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) khách ra vào thường xuyên. Từ lâu nơi đây trở thành đầu mối khá tin cậy cho những người ưa chuộng bánh quê. Nào bánh ít lá gai, bánh ít trắng nhân đậu, tôm thịt, bánh tét, củ kiệu, bánh xốp, bánh in đậu xanh đều có... Người mua vài chục bánh để ăn giỗ, người đặt hàng trăm chiếc để làm quà gửi đi xa, hay đưa vào các cơ quan làm bữa lót dạ nửa buổi cho các đại biểu trong cuộc họp... Trong các loại bánh, bánh ít lá gai được nhiều người tấm tắc khen ngon.

Để làm ra chiếc bánh vừa có vị ngọt, dai dai, thơm mùi lá, người làm bánh phải mất nhiều công đoạn. Đầu tiên phải về tận nhà vườn chọn lá gai vừa tươi, vừa dày để mua. Khi lặt phải tước lá thành hai phần và loại bỏ xơ lá, sống lá. Rồi đem rửa sạch, bỏ vào nồi luộc cho đến khi lá mềm thì vớt ra rửa lại nhiều lần rồi để nguội và ráo. Sau đó, đem lá gai nghiền nát bằng cối hay máy sao cho lá mịn và nhuyễn rồi sên với đường, trộn kỹ với bột cho đến khi bóng mịn và dẻo.

Nguyên liệu làm bánh lúc này là một thứ bột có màu xanh đen. Qua bàn tay khéo léo của bà Sáu Châu chỉ dạy các con, chiếc bánh lá gai nhân đậu được gói bằng lá chuối tươi trông xinh xinh, gần gũi với quê nhà... Bánh được hấp lên trong vòng 45 phút, mùi thơm của nếp, của lá gai cùng đậu xanh pha chút “hương đồng gió nội” tỏa khắp nhà là có thể vớt bánh. Cô con gái thứ của cô Sáu Châu, bảo: “Không làm cầu kỳ gì, chỉ làm nguyên chất, đúng kỹ thuật là bánh ngon. Nhà luôn đặt chữ tâm lên trên để làm bánh”. Hơn 50 năm trong nghề, vẫn kỹ thuật đơn giản là chọn lá gai tận vườn, mua nếp ngon, làm đâu bán đó, khách của cô ngày càng đông.
 

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 


.