Nhà vườn "mất ăn, mất ngủ" vì mai Tết

08:01, 04/01/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Tết Nguyên đán Đinh Dậu đang còn tính từng ngày. Thời điểm này, số lượng lớn mai trồng trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ không kịp nở đúng hẹn, khiến nhiều nhà vườn rơi vào cảnh” mất ăn, mất ngủ” vì lo sợ thất thu.
Sắc xuân dường như đã hiện diện tại nhiều vườn hoa trong tỉnh. Những ngày này, người trồng đang chạy nước rút trong công đoạn chăm sóc với hi vọng hoa nở kịp Tết bán kiếm lời. Không khí tất bật hơn bao giờ hết. 
 
Xã Nghĩa Hiệp nổi tiếng là một trong những vựa hoa lớn của Quảng Ngãi. Nơi đây còn vang danh với những nghệ nhân uốn mai có tuổi nghề hàng chục năm. Chuyên và không chuyên đều có, họ đến với mai bằng tất cả tình yêu dành cho nó. 
 
Chúng tôi ghé nhà ông Phạm Văn Phổ, xóm Bông, thôn Hải Môn. Năm nay, ông Phổ trồng 200 chậu mai lớn nhỏ. Nhờ bàn tay tỉ mẫn, khéo léo của mình, ông đã tạo cho chúng những hình dáng, thế đứng không kém phần bắt mắt. 
 
Nhưng điều khiến ông buồn rầu nhất chính là nỗi lo mai bung nở không trúng dịp, chẳng kịp cung ứng được cho thị trường Tết và nắm chắc phần lỗ trong tay. 
 
Ông Mai Văn Từ lo lắng trước hàng nghìn chậu hoa mai nở không đúng dịp Tết.
Ông Mai Văn Từ lo lắng vì thất thu trước hàng nghìn chậu mai.
 
“Mưa lũ kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây mai. Không có nắng ấm, mai chậm lớn và cho nụ rất ít, nở hoa không kịp. Dù tôi đã cố gắng chăm bẵm nhưng chỉ cứu vãn được số lượng ít ỏi”- ông Phổ cho hay.
 
Nếu như vào thời điểm này năm ngoái, nhiều khách chơi mai ở thành phố đã xuống tận vườn nhà ông để đặt cọc trước và chọn cho mình chậu mai như ý. Thế nhưng, năm nay thì trái ngược hẳn, họ chỉ dạo vài vòng rồi sang nhà vườn khác vì thấy chất lượng mai không đảm bảo. Theo tính toán, ông Phổ có thể thất thu hàng chục triệu đồng cho vụ mai Tết này.
 
Xét cho cùng, ông Phổ còn may mắn hơn các hộ khác trong thôn. Hơn ngàn chậu cúc “thoát chết” sau đợt lũ vừa rồi đã nhen nhóm cho ông hi vọng “đắp đổi” kiếm thêm thu nhập.
 
Hơn 30 năm thâm niên gắn bó với nghề trồng mai Tết, chưa khi nào ông Mai Văn Từ phải chứng kiến những “đứa con cưng” của mình bị ảnh hưởng bởi thời tiết đến vậy. Nhìn những chậu mai Bác Tiên, mai dảo trụi thân, trơ nụ thiếu sức sống trong vườn mà ông không khỏi xót xa, chẳng khác gì những cái xác vô hồn.
 
Thường thì vào độ tháng 8 Âm lịch là mai bắt đầu cho nụ. Còn năm nay, chậm hơn đến vài tháng mới thấy lác đác vài nụ. Thời tiết lại bất lợi nên nụ hoa vừa nhú cũng rụng dần. 
 
Và nếu như thời tiết đảm bảo, khoảng từ 18.12 đến ngày 22.12 Âm lịch, mai bắt đầu bung vỏ trấu. Nhưng giờ nụ mai cây có, cây không và nhỏ như vừa mới hé, ông Từ không mong mỏi gì đến chuyện bung trấu để nở.
 
Vì ảnh hưởng bởi thời tiết nên mai năm nay ít nụ hơn.
Vì ảnh hưởng bởi thời tiết nên nụ hoa mai thưa hơn hẳn năm ngoái.
 
“Trời làm thì mình phải chịu thôi, chứ biết sao giờ. Cách đây hai tháng, để chắc ăn, tôi có gọi điện thương thảo thuê một lô ở chợ hoa xuân đường Phạm Văn Đồng để bán mai. Tuy nhiên, thấy tình hình thế này, sáng nay tôi vừa mới gọi điện lại để từ chối lại họ đấy”, ông Từ rầu rĩ.
 
Kiếm hàng trăm triệu đồng tiền mai mỗi năm, nguồn thu từ hoa mai được ông Từ để dành trong năm lo cho các con, cho người vợ đau ốm triền miên với hơn chục triệu tiền thuốc mỗi tháng. Năm nay, không chỉ không có tiền ăn Tết, ông Từ không biết kiếm đâu ra tiền để ra năm lo cho vợ, các con. Nói xong, ông lại tất bật ghép mai cho đợt Tết năm sau. 
 
Theo quan sát của chúng tôi, tại nhiều nhà vườn khác trồng, chăm sóc mai Tết lớn ở xóm Bông cũng đều rơi vào tình cảnh tương tự.
 
Khác với nghề trồng hoa cúc chỉ tập trung đầu tư, chăm sóc vào khoảng 6 tháng cuối năm. Còn nghề trồng hoa mai thì phải chăm quanh năm. 
 
Tốn kinh phí đầu tư lại tốn công từ việc gieo giống hay chiết cành để trồng, cho đến uốn, ghép, kích thích sự sinh trưởng của hoa… cũng chỉ mong hoa nở đúng dịp Tết. Năm nào, chỉ cần thời tiết diễn biến thất thường như năm nay, người trồng hoa mai lại như ngồi trên đống lửa vì mọi công sức “đổ sông, đổ bể”. 
 
                                                                                            Bài, ảnh: Gia Nghi
 

.