Ngành lâm nghiệp Quảng Ngãi: Những kết quả đáng ghi nhận

02:01, 08/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2016, ngành lâm nghiệp của tỉnh thu hoạch được nhiều kết quả đáng kể. Hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch, đề án, dự án đã đề ra đều được triển khai thực hiện khá tốt.

TIN LIÊN QUAN

Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được khoảng hơn 360ha rừng phòng hộ và chăm sóc hơn 2.380ha rừng phòng hộ (87,3% kế hoạch). Khoanh nuôi tái sinh rừng trên 3.230ha (293,9%) và chuẩn bị được hơn 30 triệu cây giống lâm nghiệp các loại để phục vụ cho việc trồng rừng. Các hộ gia đình cá nhân đã khai thác rừng sản xuất và tiến hành trồng lại được 11.960ha (100%). Ngoài ra còn trồng khoảng 100.000 cây phân tán các loại như sao đen, xà cừ, dầu rái, lim xanh, phi lao...

Rừng trồng đã được cấp chứng chỉ FSC của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ.
Rừng trồng đã được cấp chứng chỉ FSC của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ.


Trong đó có khoảng 83.000 cây phân tán được bố trí vốn từ ngân sách tỉnh, với tổng kinh phí 740 triệu đồng. Riêng việc giao rừng, cho thuê rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, toàn tỉnh đã giao hơn 117.120ha rừng cho các tổ chức, hộ gia đình và cộng đồng dân cư (96,62%) và cấp giấy CNQSSĐ lâm nghiệp cho các ban quản lý rừng phòng hộ trong tỉnh được 95.382ha (89,74%); cấp giấy CNQSDĐ lâm nghiệp cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư được 14.060ha (65,9%).

  Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, các dự án, quy hoạch về lâm nghiệp hầu hết đã được triển khai thực hiện. Nguồn vốn đầu tư công tác quản lý, bảo vệ rừng được lồng ghép từ nhiều nguồn vốn khác nhau, như ODA, ngân sách tỉnh, ngân sách địa phương, dịch vụ môi trường rừng... Qua đó đã hình thành được vùng rừng trồng gỗ lớn theo tiêu chuẩn, tiêu chí FSC (chứng chỉ rừng). Với Đề án trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển sang mục đích khác, toàn tỉnh đã trồng được hơn 216ha (100%). Đề án Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020, đã triển khai trồng rừng ven biển ở các xã Bình Phước, Bình Dương, Bình Đông, Bình Thuận (Bình Sơn) hơn 100ha và khoanh nuôi bảo vệ hàng chục hécta rừng ngập mặn ven biển.

Đối với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong năm qua đã chi trả lên đến19.000ha và thực hiện giao khoán cho gần 14.000 hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng. Đặc biệt, đến nay toàn tỉnh đã có trên 6.150ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn, tiêu chí FSC, với 2 đối tượng là nhóm hộ gia đình có 315ha rừng trồng và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ có 5.836ha rừng tự nhiên và rừng trồng.

Trong năm qua, nhờ tăng cường phối hợp của lực lượng Kiểm lâm và các cấp, ngành hữu quan trong tỉnh trong thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng nên tình hình khai thác, chặt phá, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn tỉnh đã từng bước được kiểm soát, hạn chế thấp nhất số vụ vi phạm và thiệt hại gây ra, góp phần bảo vệ rừng tự nhiên của tỉnh, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Hiện nay, mặc dù diện tích rừng trong tỉnh có tăng, nhưng chất lượng của rừng phần lớn chưa đạt yêu cầu, chưa tạo thành vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ cho nhu cầu chế biến và cơ cấu loài cây phù hợp với công nghệ chế biến. Việc trồng rừng sản xuất ở địa phương vùng thấp gắn với vùng nguyên liệu của nhà máy chưa phù hợp, bởi thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp với người dân trong việc đầu tư trồng rừng trên đất lâm nghiệp được giao. Vì vậy, dù có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhưng thương mại gỗ và lâm sản hiện vẫn là khâu yếu, phần lớn vẫn phải xuất khẩu qua trung gian, ít có sản phẩm gỗ thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.    

Bài, ảnh: NGUYỄN KHÂM
 


.