Đại ngàn chuyển mình

05:01, 09/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi, diện mạo nông thôn miền núi đã có sự chuyển biển rõ nét, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

TIN LIÊN QUAN

Để công tác giảm nghèo của tỉnh thời gian tới đạt được các yêu cầu mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, mới đây kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 4 năm 2016 đã ban hành Nghị quyết về kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

Ấm no trên vùng đất khó

Cuối năm 2016, phụ huynh và học sinh xã Long Mai (Minh Long) đã có niềm vui lớn khi công trình Trường Mầm non Long Mai hoàn thành, đưa vào sử dụng với đẩy đủ trang thiết bị, đồ dùng học tập. Đây là công trình đầu tư từ Chương trình 30a, với số vốn gần 3 tỷ đồng.

Cô giáo Lê Thị Mỹ Hằng- giáo viên Trường Mầm non Long Mai cho biết: “Trước đây, khi chưa có trường mới, cô trò chúng tôi phải học tạm trong một phòng học tại điểm trường tiểu học. Điều kiện dạy và học vì thế mà vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Giờ thì khác rồi, các cháu không chỉ được học trong phòng đẹp, đầy đủ đồ dùng học tập mà còn có sân chơi riêng”.

Dựa vào thế mạnh đồi núi, người dân Minh Long lựa chọn cây keo làm giống cây chủ lực để vươn lên phát triển kinh tế. Ảnh: Ý THU
Dựa vào thế mạnh đồi núi, người dân Minh Long lựa chọn cây keo làm giống cây chủ lực để vươn lên phát triển kinh tế. Ảnh: Ý THU


Công trình Trường Mầm non Long Mai là một trong hàng loạt công trình phát huy hiệu quả từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển hạ tầng từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững tại 6 huyện miền núi. Ngoài việc đầu tư phát triển hạ tầng, các huyện miền núi còn chú trọng hỗ trợ hợp phần phát triển sản xuất cho người nghèo, góp phần quan trọng tạo nên những đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 giảm 6,5% và năm 2016 giảm thêm được 2.453 hộ, đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới ở khu vực này xuống còn 42%.

Minh Long là một huyện đã có nhiều thành tựu trong công tác giảm nghèo năm 2016, khi tỷ lệ hộ nghèo trong năm giảm gần 6,4%, vượt gần 2% so với chỉ tiêu đề ra. Chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ người nghèo duy trì mô hình sinh kế bền vững, Phó Chủ tịch UBND xã Long Mai Đinh Văn Dục cho biết: “Không chỉ trao cho người nghèo “cần câu”, chúng tôi còn hướng dẫn cho người dân “cách câu” bằng cách tổ chức tập huấn công tác chăm sóc, thú y, đồng thời yêu cầu chủ hộ phải đảm bảo yêu cầu về chuồng trại, diện tích trồng cỏ trước khi trao mô hình hỗ trợ”. Nhờ thực hiện theo kế sách ấy, nên trong năm 2016, Long Mai là xã có tỷ lệ hộ thoát nghèo cao nhất huyện Minh Long, với tỷ lệ thoát nghèo và cận nghèo đạt gần 14%.

Còn tại Sơn Tây, một trong 3 huyện trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi từ Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên. Với đặc trưng của dự án là đặt việc phát triển sinh kế cho người dân lên hàng đầu, nên từ năm 2015 đến nay, các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện được hỗ trợ các mô hình kinh tế hiệu quả và được tổ chức, hướng dẫn thực hiện theo nhóm sản xuất. Quy mô mỗi nhóm có 20 người, nhằm giúp người nghèo cùng hỗ trợ nhau vươn lên, thay vì phát triển mô hình riêng lẻ.

Cơ hội và thách thức

Giai đoạn 2016-2020, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh sẽ nhận hỗ trợ hơn 2.100 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này để thực hiện các mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo; bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo ở huyện nghèo đến cuối năm 2020 tăng lên 2 lần so với cuối năm 2015. Vì vậy, đây sẽ vừa là cơ hội, vừa là thách thức mới cho các huyện miền núi của tỉnh.
 
Nhận định về thách thức của các huyện nghèo khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đinh Thị Hồng Minh cho rằng, hiện nay cơ sở hạ tầng của các huyện, xã, thôn nghèo được tăng cường; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo miền núi tăng vọt. Trong khi đó, từ năm 2016 trở đi, các huyện miền núi sẽ phải giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%/năm theo mục tiêu mà Chương trình đề ra.

Khó khăn nhất là huyện Tây Trà, do xuất phát điểm của huyện quá chênh lệch so với mặt bằng chung của các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh. Do vậy, “để có thể hoàn thành những mục tiêu giảm nghèo giai đoạn mới, tỉnh và địa phương sẽ phải tiếp tục nỗ lực hoàn thiện các cơ chế chính sách đầu tư, đẩy mạnh huy động nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả việc đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển các mô hình sản xuất phù hợp với địa phương”, Chủ tịch UBND huyện Tây Trà Hoàng Anh Ngọc, đề xuất.

H.Minh - Đ.Yên

 


.