Vốn mới tồn đọng, nợ cũ khó đòi

02:12, 04/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên (HSSV) đã giúp cho nhiều hộ gia đình nghèo đầu tư cho con tiếp tục việc học hành. Thế nhưng, hơn hai năm qua, nguồn vốn này không tăng trưởng mà còn tồn đọng khá nhiều.

TIN LIÊN QUAN

Vốn mới tồn đọng

Với mức lãi suất ưu đãi 0,5%/tháng, chương trình cho vay HSSV đã tạo điều kiện cho hàng chục nghìn con em hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh có cơ hội tiếp tục đến trường... Tuy nhiên, tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Tư Nghĩa, chương trình cho  HSSV vay giảm theo từng tháng.

Bà Trần Thị Hồng Oanh – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Tư Nghĩa, cho biết: “Dù ngân hàng đã tạo mọi điều kiện để người dân được vay vốn, nhưng do năm 2016, nợ đến hạn rất nhiều nên thu vào nhiều. Trong khi đó nhu cầu vay lại ít. Nhiều hộ nghèo và cận nghèo lại không có nhu cầu vay. Chúng tôi đang xin tỉnh chuyển nguồn vốn tồn từ chương trình này sang cho vay thoát nghèo để đồng vốn chính sách phát huy hiệu quả”.

Tại huyện Mộ Đức, chương trình cho HSSV vay cũng đã giảm 15 tỷ đồng so với  đầu năm 2016. Nguyên nhân là do hộ nghèo và cận nghèo không có nhu cầu vay cho con ăn học. Hơn nữa, nguồn vốn này đã bão hòa, đa số các hộ đều vay trước đây, bây giờ đến thời điểm trả nợ là chủ yếu.

 

Bà Lý Thị Yến, xã Bình Trung (Bình Sơn) chăm sóc đàn bò để sớm trả món nợ vay học sinh sinh viên cho ngân hàng.
Bà Lý Thị Yến, xã Bình Trung (Bình Sơn) chăm sóc đàn bò để sớm trả món nợ vay học sinh sinh viên cho ngân hàng.


Theo thống kê của Ngân hàng CSXH tỉnh, đến thời điểm này số vốn tồn đọng từ chương trình cho HSSV vay  trên 83 tỷ đồng. Ông Trần Duy Cường – Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết, sau khi có quy định nới lỏng đối tượng vay vốn HSSV của Chính phủ thì không chỉ có hộ nghèo, hộ cận nghèo mới được vay vốn cho con ăn học, mà ngay cả những hộ đột xuất khó khăn về tài chính cũng đã được Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho vay.

Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của người dân ngày một giảm. Hơn nữa, hằng năm những người vay trước đến hạn trả nợ, ngân hàng lại lấy tiền đó cho vay xoay vòng, nên nguồn vốn này bị tồn đọng. Song, Ngân hàng CSXH tỉnh cũng đã linh hoạt đem nguồn vốn tồn này cho vay các chương trình khác theo thứ tự ưu tiên.

Nợ đến hạn khó đòi

Gia đình khó khăn, hai đứa con đi học cùng một lúc, nên bà Bùi Thị Diệu ở xã Đức Tân (Mộ Đức) được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 29 triệu đồng. Các con ra trường, việc làm không ổn định, thu nhập thấp, nên gia đình bà Diệu vẫn chưa trả hết nợ. Khi nói về khoản nợ đến hạn của gia đình, bà Diệu phân trần: “Dù biết đã đến hạn trả nợ, nhưng thật sự hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, chứ mình cũng không muốn nợ”.

Cũng như trường hợp của bà Diệu, bà Nguyễn Thị Huệ ở xã Đức Tân cũng vì gia đình khó khăn đã phải vay vốn để cho con ăn học. Với số tiền vay 42 triệu đồng, bà đã cố gắng nuôi ba đứa con ăn học. Sau khi ra trường, các con lập gia đình ra ở riêng. Vợ chồng bà phải chạy vạy khắp nơi để trả số tiền vay trước đó. Thế nhưng, vì quá khó khăn nên số tiền hơn 10 triệu đồng nợ quá hạn bà Huệ vẫn mãi trì hoãn mà không trả được.

Mộ Đức là một trong những địa phương giải ngân khá nhanh nguồn vốn cho HSSV vay. Đến nay dư nợ của chương trình này trên 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tiến độ thu nợ gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, nợ quá hạn khoảng 400 triệu đồng.


Theo ông Nguyễn Minh Nở- Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng CSXH huyện Mộ Đức, thời gian qua ngân hàng luôn chú trọng thu hồi nợ đọng để quay vòng nguồn vốn vay hiệu quả. Thế nhưng, việc thu hồi nợ không dễ dàng. Bởi hiện nay rất nhiều sinh viên ra trường, việc làm không ổn định, thu nhập thấp nên không có tiền trả nợ. Bên cạnh đó, cũng có một số hộ chây ỳ nên nợ đọng tăng cao...

Vấn đề nợ quá hạn vốn HSSV không phải là nỗi lo của riêng ngân hàng nào. Theo thống kê của Ngân hàng CSXH tỉnh, tính đến thời điểm này, nợ quá hạn đối với HSSV gần 2,4 tỷ đồng.

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.