Tránh lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật

03:12, 13/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)-Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cây trồng khỏi sự tàn phá của nhiều loại sinh vật gây hại, giúp nâng cao năng suất; nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi nếu sử dụng không đúng...

TIN LIÊN QUAN

Thời điểm này, nông dân trong tỉnh bắt đầu ra đồng dọn cỏ, làm sạch đất để chuẩn bị gieo sạ vụ lúa đông xuân. Thay vì dọn cỏ bằng phương pháp thủ công, nhiều nông dân chọn thuốc diệt cỏ để tiết kiệm công sức và chi phí.

Dùng thuốc theo cảm tính

Vừa pha thuốc trừ cỏ vào bình để phun cho 3 sào ruộng cỏ mọc um tùm, ông Nguyễn Hải Định (63 tuổi) ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) cho biết: “Không phun thuốc diệt cỏ thì phải làm cỏ, dọn đất đến 4 - 5 ngày mới sạch. Mấy năm qua, tôi đều dùng thuốc diệt cỏ, chỉ cần phun 2 lần, mỗi lần cách nhau nửa tháng là cỏ chết hết”. Khi được hỏi về liều lượng pha thuốc thì ông Định trả lời: “Bình phun của tôi 16 lít, thì pha 2/3 bình với 100ml thuốc trừ cỏ”. Trong khi đó hướng dẫn sử dụng trên chai thì 100ml phải pha với 16 lít nước. Ông Định giãi bày: “Trước giờ bà con ở đây ai cũng pha kiểu vậy mà, pha đậm đậm tí cho hiệu quả”.

Thay vì nhổ, làm cỏ, dọn ruộng để bước vào vụ mới, bà con nông dân chọn cách phun thuốc diệt cỏ để tiết kiệm chi phí, tuy nhiên sẽ gây tác hại đến sức khỏe và môi trường.
Thay vì nhổ, làm cỏ, dọn ruộng để bước vào vụ mới, bà con nông dân chọn cách phun thuốc diệt cỏ để tiết kiệm chi phí, tuy nhiên sẽ gây tác hại đến sức khỏe và môi trường.


Cách dùng thuốc theo cảm tính của ông Định cũng là tâm lý chung của đại đa số bà con nông dân khi sử dụng thuốc BVTV. Dù trên bao bì đã hướng dẫn rõ ràng cách sử dụng, liều lượng pha thuốc, nhưng với thói quen, tập quán sử dụng thuốc BVTV theo cách tăng nồng độ để đạt hiệu quả cao nhất và tiết kiệm thời gian, nên một bộ phận nông dân tăng nồng độ thuốc lên gấp 2-3 lần.

Không chỉ pha thuốc theo thói quen, cảm tính mà bà con nông dân cũng thường phun, sử dụng thuốc theo phong trào. Mặc dù lúa, rau có dịch bệnh chưa đến ngưỡng gây hại, nhưng thấy những hộ dân bên cạnh phun thuốc thì những hộ sản xuất kế cận cũng phun theo, với mục đích là ngăn ngừa sâu bệnh lây lan sang.

Nhiều nguy hiểm

Chính vì muốn tiết kiệm chi phí, nhân công trong việc phát dọn cỏ khi bước vào vụ mới nên hiện nay trên những cánh đồng luôn trong tình trạng ruộng nhuộm màu vàng úa do sử dụng thuốc diệt cỏ. Theo ông Phạm Bá – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ không nằm trong danh mục cấm nên việc bà con nông dân sử dụng không sai, nhưng đây là loại thuốc có tính độc cao, nên không được sử dụng ở những đám ruộng gần khu dân cư, nguồn nước.

Đặc biệt, việc dùng thuốc cỏ thường xuyên sẽ làm tiêu diệt vi sinh vật có ích, gây mất cân bằng sinh thái... Thực tế, thuốc cỏ nói riêng, thuốc BVTV nói chung đều là con dao hai lưỡi, nếu dùng theo nguyên tắc 4 đúng thì sẽ phát huy được tác dụng, nhưng nếu lạm dụng, dùng sai nguyên tắc thì sẽ gây ra nhiều tác hại, nguy hiểm đối với sức khỏe con người, động thực vật.

Cũng theo ông Phạm Bá, bà con nông dân thường hay dùng thuốc sai liều lượng, luôn tăng nồng độ thuốc, giảm lượng nước. Cách làm này không có tác dụng phòng trừ hiệu quả mà còn đi ngược lại, thuốc không bám đều lên đối tượng dịch hại; những đối tượng còn sống sẽ có sức đề kháng mạnh hơn, dẫn đến tình trạng kháng thuốc.

Việc lạm dụng, dùng sai quy trình thuốc BVTV không chỉ gây hậu quả đối với cây trồng mà sẽ ảnh hướng lớn đến môi trường, sức khỏe con người,  đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến người phun thuốc. Hơn nữa, sử dụng nồng độ thuốc cao, dẫn đến tình trạng tồn dư thuốc BVTV trong môi trường, thực phẩm sẽ tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm.

Do đó, khi sử dụng thuốc BVTV ngoài tuân thủ nguyên tắc 4 đúng là đúng thuốc; đúng nồng độ, liều lượng; đúng thời điểm; đúng kỹ thuật thì các chuyên gia cũng khuyến cáo bà con nông dân nên sử dụng các loại thuốc là chế phẩm sinh học. Thuốc BVTV bằng chế phẩm sinh học có tác dụng tiêu diệt côn trùng gây hại, giảm thiểu bệnh hại, tăng khả năng đề kháng bệnh của cây trồng mà không làm ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người, động thực vật. Đặc biệt, thời gian cách ly của thuốc sinh học ngắn hơn một nửa so với thuốc hóa học, rất phù hợp khi sử dụng cho rau, quả.

Bài, ảnh: H.THU- Đ. SƯƠNG

 


.