Hiểm nguy mùa gió chướng

02:12, 18/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, nhiều ngư dân trong tỉnh bị thiệt hại nặng về người và tài sản khi khai thác hải sản trong mùa mưa bão. Dân gian thường gọi, đây là mùa gió chướng...

TIN LIÊN QUAN

Thiệt hại nặng nề

Từ đầu tháng 11 đến nay, có 7 chiếc tàu của ngư dân gặp nạn khi khai thác ngoài biển. Ngày 30.10, khi đang chạy vào nơi tránh trú, tàu của ngư dân Nguyễn Văn Đức, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) bị sóng đánh chìm tại cửa Lạch Bạng, tỉnh Thanh Hóa. Đến ngày 2.11, chiếc tàu của ngư dân Huỳnh Tấn Khương, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cũng bị sóng đánh chìm khi đang hành nghề lưới rê tại vùng biển Quảng Ngãi - Đà Nẵng.

Tiếp đến ngày 25.11, tàu của ngư dân Nguyễn Tấn Hùng, xã Bình Chánh (Bình Sơn) bị phá nước, sóng đánh chìm khi đang hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa... Khi các tàu trên gặp nạn, tài sản bị hư hỏng hoàn toàn, nhưng may mắn là thuyền viên đã được cứu sống.

Tàu của ngư dân bị sóng đánh chìm khi đang hoạt động khai thác hải sản mùa biển động.
Tàu của ngư dân bị sóng đánh chìm khi đang hoạt động khai thác hải sản mùa biển động.


Không may mắn như thế, ngày 7.12, khi đang hành nghề lưới kéo trên vùng biển Quảng Ngãi, tàu của ngư dân Cao Văn Hiệp, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) gặp nạn. Ông Hiệp và 3 thuyền viên là Cao Thành Nam, Dương Việt Cường và Trần Văn Thu bị mất tích. Từ ngày 8.12, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng trong tỉnh đã nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân. Ông Trần Đình Tiến - Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ cho biết: Sau khi tìm thấy chiếc tàu của ông Hiệp ở khu vực Bàn Than, vùng biển Quảng Ngãi, ngày 10.12, lực lượng chức năng đã tiến hành trục vớt phương tiện. Riêng 4 ngư dân, vẫn chưa tìm thấy.

Ngư dân phải “tự cứu mình”

Thiệt hại xảy ra một phần do diễn biến bất thường của mưa bão, nhưng phần lớn là do ngư dân chủ quan, bất chấp cảnh báo của ngành chức năng để ra khơi mùa biển động. “Mưa bão, biển động thì cá về càng nhiều. Vì vậy, dù nguy hiểm nhưng vì không muốn để tuột mất “lộc” biển, nên anh em lại liều ra khơi”, ngư dân Huỳnh Tấn Khương phân trần.

Cũng với quan niệm “luồng cá về theo áp thấp nhiệt đới” nên thay vì trú bờ, ngư dân Nguyễn Hùng, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) lại lênh đênh ngoài biển trong đợt mưa lớn từ ngày 30.10 - 3.11. Nhưng chưa kịp quăng lưới, tàu ông Hùng đã bị sóng đánh chìm ở vùng biển tỉnh Bình Định. Sau khi thoát nạn trở về, ông Hùng cho biết “sẽ không bao giờ ra khơi mùa gió chướng”.

Hầu hết các tàu gặp nạn là loại công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ, trang thiết bị thông tin liên lạc hạn chế. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những tàu công suất lớn, có đầy đủ các loại phương tiện liên lạc cũng không thoát nạn. “Mùa mưa bão là máy móc trục trặc, sóng Icom chập chờn, nên nhiều lúc chúng tôi không nắm bắt kịp thông tin, diễn biến mưa bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Việc ứng phó cũng bị động”, ngư dân Nguyễn Văn Đức chia sẻ. Vì lẽ ấy nên nhiều ngư dân gặp nạn ngay trên đường tìm nơi tránh trú mưa bão.

Như trường hợp ngư dân Nguyễn Văn Đức. Biết áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa to, biển động, nhưng vì sóng Icom lúc được lúc mất, ông Đức không nắm được cụ thể thông tin cũng như những diễn biến của ATNĐ. Đến khi hay tin thì đã quá trễ, tàu bị sóng đánh chìm ngay khi cách cửa Lạch Bạng không xa.

Hoạt động trên biển đã khó, hoạt động trong mùa gió chướng càng khó bội phần. Vì vậy, để tránh những thiệt hại không đáng có, bên cạnh việc theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến thời tiết, đã đến lúc ngư dân cần quan tâm hơn đến việc đầu tư hoàn thiện các trang thiết bị hỗ trợ thông tin liên lạc. “Ngoài ra, trong thời gian có mưa bão, ATNĐ, ngư dân phải chấp hành nghiêm lệnh cấm biển, tuyệt đối không được lén lút ra khơi khai thác hải sản”, ông Dương Văn Tô - Phó Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh khuyến cáo.


Bài, ảnh: MỸ HOA



 


.