Hàng nông sản Trung Quốc thuế 0%: Cơ hội và thách thức

09:12, 13/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), sắp tới hàng nghìn mặt hàng nông sản từ các nước thành viên ACFTA, trong đó có Trung Quốc sẽ được hưởng thuế ưu đãi 0% khi vào Việt Nam. Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội lớn để ngành nông nghiệp cải tạo quy trình sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh.

TIN LIÊN QUAN

Áp lực kiểm soát và sản xuất

Theo báo cáo của Tổng Cục hải quan, trong 9 tháng năm 2016, doanh nghiệp nhà nước nhập hơn 45 triệu USD hàng thủy sản và gần 147 triệu USD rau quả từ Trung Quốc. Điều này cho thấy, các mặt hàng nông sản từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam khá lớn và sự cạnh tranh đã rất rõ. Với mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, nên hàng Trung Quốc thu hút một lượng lớn người mua. Vì vậy, khi thuế suất xuất khẩu chỉ còn 0%, các mặt hàng nông sản Trung Quốc sẽ ồ ạt vào Việt Nam.

Tuy nhiên, điều khiến người tiêu dùng lo ngại là lâu nay, hàng hóa Trung Quốc thường được xếp vào diện “kém chất lượng”, không đảm bảo an toàn, nhưng những cơ quan kiểm định vẫn công bố “chất lượng ổn”. Khi thuế 0%, giá rẻ càng xảy ra tình trạng nhập tràn lan, tạo cơ hội để hàng Trung Quốc “soán ngôi” hàng Việt.

 Để tăng sức cạnh tranh với hàng Trung Quốc, người sản xuất cần chủ động thay đổi quy trình sản xuất theo hướng
Để tăng sức cạnh tranh với hàng Trung Quốc, người sản xuất cần chủ động thay đổi quy trình sản xuất theo hướng "tăng giá trị".

Trên địa bàn Quảng Ngãi, hàng nông sản Trung Quốc có mặt khắp các chợ, sạp hàng... Thậm chí, một số mặt hàng trái cây, rau, củ, quả, thủy sản Trung Quốc còn dán nhãn mác hàng Việt Nam chất lượng cao để đánh lừa người tiêu dùng. Ông Nguyễn Đức Bình - Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho rằng: “Thực trạng này là do công tác quản lý chồng chéo, lại chưa có hàng rào kỹ thuật chứng minh chất lượng sản phẩm, khiến hàng “bẩn” vẫn có cơ hội “lọt” đến tay người tiêu dùng”. Đơn cử như mặt hàng chả mực. Từ khâu sản xuất đến tiêu thụ có đến 7 sở, ngành quản lý. Tình trạng “mỗi ngành quản lý một khúc” không chỉ giảm hiệu quả kiểm soát chất lượng, mà còn tạo kẽ hở để hàng “bẩn” tung hoành trên thị trường.
 
Theo Hiệp định ACFTA, các mặt hàng rau, củ, quả có xuất xứ từ các nước thành viên ACFTA, trong đó có Trung Quốc sẽ áp dụng mức thuế 0% khi xuất khẩu vào Việt Nam. Đổi lại, hàng hóa của Việt Nam như cà phê, chè, thủy sản... cũng thuộc diện miễn thuế khi xuất khẩu vào các thị trường này. Để được hưởng ưu đãi thuế đặc biệt, hàng hóa phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Nâng cao sức cạnh tranh

Ngoài những thách thức phải đối mặt, việc hàng Trung Quốc vào Việt Nam với thuế suất 0% được xem là cơ hội “vàng” để ngành nông nghiệp thay đổi quy trình sản xuất, tăng sức cạnh tranh. Trong đó, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là yếu tố có vai trò then chốt trong việc giải tỏa sức ép cạnh tranh. Thay vì tìm cách mở rộng tăng diện tích, Đề án tập trung thực hiện việc “tăng giá trị, giảm đầu vào” nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất, cũng như khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, để tăng giá trị, ngành nông nghiệp không chỉ cần sự liên kết chặt chẽ từ phía nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học... mà cần sự thay đổi phương thức và tư duy sản xuất. Điển hình là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho rằng, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn không chỉ nâng cao giá trị sản xuất, mà còn giảm áp lực tiêu thụ cho nông dân.

Sau hơn 3 năm thực hiện việc chuyển đổi, nhiều diện tích hoa màu đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi hécta. Riêng một số loại cây trồng như ớt, dưa hấu đạt 300-400 triệu đồng/ha.

Thực tế, thị trường không chấp nhận sản phẩm “bẩn”, thiếu cạnh tranh. Vì vậy, khi thuế về 0% sẽ tạo một sức ép, môi trường cạnh tranh mới về giá cả  và chất lượng. Nếu ngành nông nghiệp và người sản xuất không thay đổi phương thức, quy trình canh tác thì sẽ khó đáp ứng yêu cầu cạnh tranh. Để tận dụng tối đa lợi thế này, đã đến lúc ngành nông nghiệp tỉnh cần xây dựng và hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tăng cường sự gắn kết giữa các nhà để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất.

Bài, ảnh:  MỸ HOA


 


.