"Gỡ khó" trong thu thuế kinh doanh vận tải

04:12, 09/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hoạt động kinh doanh vận tải (KDVT) ngày càng phát triển, nhất là trong hộ cá thể. Tuy nhiên, việc quản lý, lập bộ thu thuế lĩnh vực này gặp không ít khó khăn. Tình trạng “lách” thuế không phải là chuyện hiếm...

Khó kiểm soát

Kinh doanh vận tải là sản phẩm mang tính dịch vụ. Trong lĩnh vực vận tải khách, còn hiện tượng nhiều đơn vị, cá nhân cho phương tiện đón khách dọc đường, không bán vé, chở quá số lượng quy định... Vì thế, ngành thuế khó xác định con số cụ thể về doanh thu để làm cơ sở tính thuế.

Đối với vận tải hàng hóa thì chỉ có một số có hợp đồng vận chuyển, hóa đơn chứng từ, còn lại là thỏa thuận miệng giữa chủ hàng và phía vận chuyển, dẫn đến việc quản lý thuế rất khó khăn. Nhiều trường hợp có phương tiện KDVT nhưng đăng ký, đăng kiểm không kinh doanh. Một số hộ “núp bóng” các doanh nghiệp, HTX để kinh doanh vận tải nhằm “lách” thuế... Mặt khác, ngành thuế và một số cơ quan chức năng chưa có giải pháp hiệu quả để quản lý thuế đối với lĩnh vực này; thiếu kiểm tra, giám sát để quản lý thu thuế phù hợp cho từng đối tượng, chống thất thu cho ngân sách.

Ngành thuế cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để chống thất thu thuế đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải.
Ngành thuế cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để chống thất thu thuế đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải.


Đơn cử như Sơn Hà, dù là huyện miền núi nhưng hoạt động KDVT trên địa bàn ngày càng phát triển, nhất là hộ cá thể mua xe tải vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, do ý thức chấp hành nghĩa vụ thuế của chủ phương tiện chưa cao, nên nhiều người không đăng ký kinh doanh và không đăng ký thuế. Thế nên, chỉ trong vòng 10 ngày kiểm tra lưu thông, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện và xử lý 43 chủ phương tiện chưa đăng ký kinh doanh và thuế, đưa vào quản lý thuế 238 triệu đồng. Đồng thời kiểm tra giấy phép đăng ký kinh doanh của 6 hộ kinh doanh, thu nợ gần 11 triệu đồng.

Bên cạnh đó, thông qua quy chế phối hợp, Chi cục Thuế Sơn Hà đã cung cấp cho Công an huyện 83 chủ phương tiện vận tải đang hoạt động trên địa bàn, nhưng không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế và yêu cầu cơ quan công an xử lý khi kiểm soát lưu thông, đưa vào quản lý thuế, nhằm tạo sự bình đẳng và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cá nhân.

Phối hợp “gỡ khó”

Để kịp thời chấn chỉnh và tăng cường quản lý, chống thất thu thuế đối với hoạt động KDVT, Cục Thuế Quảng Ngãi đã khảo sát và xây dựng dự thảo Quy định về biện pháp quản lý thu thuế đối với hoạt động KDVT bằng ô tô trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kịp thời ban hành mức doanh thu tối thiểu làm cơ sở xác định doanh thu khoán thuế, ấn định thuế phù hợp. Đồng thời, xây dựng nội dung phối hợp giữa các ngành, địa phương để quản lý thuế đối với hoạt động này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cũng đã yêu cầu ngành thuế sớm chỉnh sửa, hoàn thiện quy định, trình UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp. Trong đó, ngành thuế chủ động phối hợp với Sở GTVT, Công an tỉnh, Sở KH&ĐT, UBND các huyện, thành phố khẩn trương kiểm tra, rà soát và thu thập đầy đủ thông tin về tình hình KDVT của tổ chức, cá nhân trên từng địa bàn. Định kỳ cập nhật số lượng phương tiện đăng ký phục vụ cho việc quản lý kinh doanh bằng ô tô. Yêu cầu các chủ phương tiện trực tiếp đến các cơ quan thuế làm thủ tục đăng ký, kê khai, nộp thuế kinh doanh đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định, kiên quyết không để sót đối tượng nộp thuế...

Để chống thất thu thuế trong lĩnh vực KDVT, vai trò của ngành giao thông vận tải là hết sức quan trọng như cung cấp đầy đủ, kịp thời cho ngành thuế các phương tiện vận tải trên địa bàn tỉnh đã được cấp giấy phép kinh doanh; khi cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện đường bộ, ghi rõ có hay không có KDVT trên giấy chứng nhận để tránh trường hợp chủ phương tiện lợi dụng kinh doanh trốn thuế...

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.