Cuộc sống mới ở bến tàu không số

02:12, 04/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nơi bến cập tàu không số (C43B) ở làng chài thôn Quy Thiện, xã Phổ Khánh (Đức Phổ) từng tiêu điều, xơ xác trong chiến tranh, giờ mang một diện mạo mới với những gam màu xanh của cây trái trải dài...

TIN LIÊN QUAN

Làng chài thôn Quy Thiện nằm một bên mép sóng, bên gối đầu trên sườn đồi núi Dâu. Nơi đây, 55 năm trước, con tàu không số (C43B) thực thi nhiệm vụ mang vũ khí, đạn dược từ miền Bắc tiếp viện cho chiến trường miền Nam vào cập bến Quy Thiện thì bị lộ. Tuy con tàu bị phá hủy, giữ bí mật an toàn trước vòng vây của địch, nhưng sau đó vùng đất này trở thành dấu chấm đỏ trong bản đồ của địch. Vì thế, vùng quê luôn bị đạn bom cày xới tiêu điều. Sau hòa bình, mặc dù đảng bộ, quân và dân nơi đây đã một lòng ra sức kiến thiết quê hương, nhưng là vùng quê bãi ngang, nên ngư dân không sống nổi với thúng nan, thuyền nhỏ.

Diện tích đất thổ pha cát nằm dọc chân núi Dâu lại không có nước tưới, nên bà con không thể trồng cây gì để phát triển kinh tế. Thế rồi, kể từ ngày có điện, những người từng đi qua chiến tranh, giờ đã linh hoạt đi đầu trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới. Người mua mô tơ, kéo điện chạy nước trồng cây hoa màu truyền thống, người đón đầu, trồng các loại cây ăn trái được thị trường ưa chuộng, nên cuộc sống dần đổi thay. Đang vun xới những luống đậu phụng, ông Phạm Ngọc Giàu, người từng tham gia vận chuyển những thương binh từ con tàu không số năm xưa, nghe hỏi chuyện, bảo: Giờ trồng cây, nuôi con gì cũng khỏe. Có nước, có điện là giải quyết được tất.

  Người dân đã biết sử dụng hệ thống phun tưới tự động cho hoa màu.
Người dân đã biết sử dụng hệ thống phun tưới tự động cho hoa màu.

Ngày trước, vùng đất không có nước, cuộc sống bà con luôn bấp bênh. Khi có điện về, nhà nhà giăng dây kéo điện ra đồng, bắt mô tơ  chạy nước...”. Từ đó, trên đồng đất pha cát bốn mùa xanh ngắt các loại hoa màu: Đậu phụng, cỏ voi, bắp để nuôi bò... Ông Giàu tận dụng 7 sào đất thổ để tỉa đậu phụng hai vụ/năm. Sau khi thu hoạch ông lấy hạt ép dầu, phế phẩm như dây đậu, bánh ép dầu thì ông nuôi bò vỗ béo. Từ việc tỉa đậu, chăn nuôi bò, hằng năm đã đem lại nguồn thu nhập cho ông đáng kể.

Khi cuộc sống ổn định, nhiều nông dân đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng  các loại cây ăn quả. Dù ở tuổi thất thập, ông Nguyễn Văn Chính từng tham gia bảo vệ những thương binh của đoàn tàu không số, vẫn có nguồn thu nhập khá ổn định từ việc trồng cây thanh long. Ông bảo: “Thấy cây đậu phát triển tươi tốt trên đất pha cát thì tôi nghĩ bụng cây thanh long cũng sẽ bén rễ, nẩy mầm xanh được trên vùng đất này. Bởi loại cây này khá thích nghi với vùng đất rút nước...Thế là tôi đi mua cây giống về ươm, rồi nhân rộng ra trồng 5 sào đất. Cứ thế cây phát triển và cho quả khá sai.

Tuy nhiên, một người làm được thì nhiều người cũng làm theo, nên đến mùa vụ giá cả hạ dài. Thế là, anh em lại đi học cách chăm sóc cho cây ra quả trái vụ. “Muốn cây ra quả vào dịp Tết thì phải vừa bón phân, vừa canh chừng sự phát triển của cây. Nếu thời tiết lạnh thì phải chong điện liên tục 25 ngày, bắt đầu vào ngày 20.9...”, ông Chính chia sẻ. Nhờ cách làm này mà ông thu được khoảng 55 triệu đồng/năm.

Ở vùng đất đầy khó khăn, những người từng đi qua chiến tranh đã phát huy bản chất cần cù, nhẫn nại, linh hoạt tìm hướng đi để xây dựng cuộc sống mới ở bến tàu không số. Họ đã trở thành tấm gương tiêu biểu cho người dân trong vùng học hỏi kỹ thuật vừa trồng cây truyền thống đậu, bắp, chăn nuôi bò, vừa kết hợp trồng cây ăn quả: Thanh long, mãng cầu, tiêu... Bây giờ, vùng quê Quy Thiện trở nên trù phú nhất, nhì xã Phổ Khánh.

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN  


 


.