Chuyển đổi đối tượng nuôi: Đồng tôm vẫn bấp bênh

02:12, 18/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, nghề nuôi tôm liên tiếp thất bại. Không thể để ao nuôi tôm bị bỏ hoang hóa, người dân đã chuyển sang nuôi các giống thủy sản khác, nhưng vẫn thiếu bền vững.

Hoang tàn vùng nuôi tôm trên cát

Các xã ven biển của huyện Mộ Đức đã từng được quy hoạch là vùng nuôi tôm trên cát của tỉnh Quảng Ngãi, với diện tích khoảng 300ha/năm. Nhiều năm trước, nơi đây lúc nào cũng tấp nập người ra kẻ vào chăm sóc, thu hoạch tôm... Nhưng giờ đây, không khí khá vắng lặng. Nghề nuôi tôm một thời hưng thịnh, nay lâm vào cảnh tiêu điều.

Nhiều hồ bị bỏ hoang vì nguồn nước bị ô nhiễm, nuôi tôm không hiệu quả.
Nhiều hồ bị bỏ hoang vì nguồn nước bị ô nhiễm, nuôi tôm không hiệu quả.


Sau nhiều vụ nuôi tôm thất bát, vùng ven biển xã Đức Phong (Mộ Đức), nơi từng được ví là “thủ phủ” của nghề nuôi tôm cũng chỉ là vùng đất hoang vắng, với hàng trăm hồ trơ đáy, các máy sục khí hoen rỉ nằm chất đống. Dưới lòng hồ, dương liễu đã mọc lên quá đầu người. Những căn lều là chỗ ăn ở của người giữ ao tôm cũng mặc cho nắng, mưa phá đổ...

 Chỉ tay về đồng tôm vắng vẻ, ông Nguyễn Đình Tư, xã Đức Phong cho biết: “Mấy năm liên tiếp tôi thả xuống cứ 15 - 20 ngày là tôm chết nổi trắng hồ. Hết vốn, chán nản nên hai năm nay tôi đành bỏ nuôi tôm, đi làm việc khác để kiếm tiền trả món nợ cả tỷ đồng”. Không riêng gì ông Tư, mà ở Đức Phong còn có hàng chục hộ nuôi tôm khác cũng rơi vào cảnh nợ nần vì con tôm.

Dịch bệnh, giá cả thấp, nguồn giống, nguồn thức ăn không đảm bảo và môi trường ô nhiễm... là những nguyên nhân khiến cho hàng loạt hồ nuôi tôm trên cát lâm vào cảnh bỏ hoang. Trong khi các giải pháp bảo vệ môi trường gần như không đem lại hiệu quả. Để khôi phục những vùng nuôi tôm bị dịch bệnh, ngành nông nghiệp khuyến cáo nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình VietGap; nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà kính lên cỡ 2 - 3cm rồi mới thả ra ao nuôi thương phẩm... nhưng cũng khó thực hiện.

Chưa có hướng đi bền vững

Không thể “treo” hồ, hơn nữa, nghề nuôi tôm đã gắn bó với bao người dân ven biển. Vì vậy, khi con tôm không còn “gánh” nổi kinh tế gia đình, nhiều hộ dân đã chuyển sang nuôi cá chẽm.

Ông Nguyễn Phan Hữu Phước, thôn Vĩnh Trà, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) cho biết: “Nhiều năm liền, các hồ nuôi tôm ở đây đều thất thu. Bởi sau khi thả giống vài tháng là tôm dịch bệnh, chết hàng loạt. Nghe người ta nuôi cá chẽm mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên tôi tìm hiểu rồi quyết định về đây thuê lại hồ để nuôi. So với con tôm thì cá chẽm dễ nuôi và ít tốn công hơn, giá cả cũng tương đối nên rất phù hợp với người nuôi. Nhờ vậy, cứ mỗi mùa thu hoạch cá chẽm là gia đình tôi thu về trên 100 triệu đồng”.

Học hỏi từ ông Phước, nhiều người dân nơi đây đã chuyển sang nuôi cá chẽm. Anh Nguyễn Tấn Lực cũng là một trong những người thành công với đối tượng nuôi mới này. Tuy nhiên, sau vài vụ thì anh Lực cũng rơi vào cảnh trắng tay. Bởi cá nuôi được 8 tháng, gần đến ngày xuất bán bỗng dưng chết trắng hồ. “Cứ ngỡ cá chẽm sẽ là cứu cánh cho con tôm, ngờ đâu cũng không bền vững được”, anh Lực chia sẻ.

Để vớt vát lại vụ cá, anh Lực vệ sinh ao hồ thật kỹ và chuyển sang nuôi tôm kết hợp cua, nhưng cũng thất bại. Không biết phải nuôi con gì cho hiệu quả, nên anh Lực đành bỏ trống hồ. Anh Lực cho biết: “Người nuôi cũng đã chủ động tìm hiểu và thử nghiệm các đối tượng nuôi mới. Tuy nhiên, một khi môi trường đã bị ô nhiễm thì có nuôi con gì cũng khó sống nổi. Dù có cố gắng nhưng cuối cùng, người nuôi thủy sản cũng cứ mãi lao đao”, ông Lực bày tỏ.

Không chỉ cá chẽm, nhiều diện tích nuôi tôm chuyển sang nuôi ốc hương kết hợp với cua, hoặc nuôi đối tượng mới. Thế nhưng, ốc hương với thức ăn tươi sống nên lượng chất thải lớn, người nuôi phải thay nước liên tục. Còn cua hoặc cá thì cũng bấp bênh, được chăng hay chớ. Lỗ chồng lỗ, nên hàng trăm hộ nuôi tôm trong tỉnh đành bỏ hồ tìm sinh kế khác.

Bài, ảnh: AN NHIÊN
 


.